"Tôi nghĩ đó là tội phạm tham nhũng, nếu làm chưa triệt để nghĩa là mắc nợ với dân, mà để đấu tranh với loại tội phạm này hiện nay lại vướng mắc nhiều yếu tố..."

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu lại một bài phỏng vấn Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng bộ CA, được thực hiện đầu năm 2010, khi ông đang là Trung tướng, trên báo CSTC.

Liên tục bận rộn với công việc, mà theo lời ông nói "làm ở cơ quan không xuể", nhưng Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP)  vẫn dành cho Cảnh sát Toàn cầu một buổi trò chuyện rất cởi mở. Đằng sau bộ quân phục với cấp hàm Trung tướng tưởng như rất khó gần kia là một con người rất đỗi giản dị, vẫn mang đậm chất dân dã của người con quê lúa Thái Bình. Ông đã trải lòng cùng chúng tôi với những tâm sự về công việc, về gia đình rất đời thường nhưng khá thú vị, dù cuộc trò chuyện đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại.

PV: Nhiều người chỉ biết đến ông với hình ảnh một Tổng cục trưởng, chỉ huy một lực lượng chiến đấu rất quan trọng với nhiệm vụ nặng nề, những chỉ đạo án từ "quân lệnh như sơn" nhưng không mấy ai biết hình ảnh ngoài đời của vị Trung tướng ấy như thế nào. Ông có thể chia sẻ một chút với bạn đọc Cảnh sát Toàn cầu về điều này. Ví như một ngày bình thường của ông diễn ra như thế nào?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Năm nay tôi 55 tuổi rồi. Với cái tuổi này, bây giờ sức khỏe là quý nhất. Một ngày của tôi cũng bình thường như mọi người thôi. Sáng 5h30 dậy tập thể dục, ăn sáng và đến cơ quan. Buổi sáng tôi thường kiểm tra các đầu việc, xử lý tất cả các văn bản từ tối hôm trước để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị...(cười) và tất nhiên, vẫn dành thời gian điểm báo, món ăn không thể thiếu là các ấn phẩm của Báo Công an nhân dân.

{keywords}
Tướng Phạm Quý Ngọ

PV: Nghĩa là về nhà ông vẫn chưa được nghỉ ngơi, vẫn phải làm việc?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Đúng thế. Việc ở cơ quan làm không xuể, nhiều khi tôi phải mang cả về nhà.

PV: So với nhiệm vụ Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình trước đây, thì hiện nay, nhịêm vụ có vẻ rất nặng nề, có gì khác biệt, thưa ông?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Trước đây tôi làm Giám đốc Công an một tỉnh thì trách nhiệm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng chỉ giới hạn trong phạm vi một tỉnh, còn bây giờ, khối lượng công việc nhiều hơn, trong một phạm vi cũng rộng lớn hơn, đương nhiên là áp lực cũng nặng nề hơn, tình hình tội phạm trong nước, tội phạm mang yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia những năm gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi người lãnh đạo phải bao quát, nắm chắc để có những chỉ đạo định hướng kịp thời, chính xác.

PV: An ninh nông thôn ở Thái Bình hồi ấy từng là vấn đề "đau đầu", ông có thể kể một chút về kinh nghiệm giải quyết những "điểm nóng" này?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Những năm 1997-1998, tình hình an ninh nông thôn ở Thái Bình đúng là đáng ngại. Mục tiêu cao nhất lúc ấy đối với lực lượng Công an là phải góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp ổn định tình hình chính trị và trật tự xã hội,  trong đó lực lượng Công an giữ vai trò chủ lực, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng hiểu rõ bản chất từng vụ việc, tôn trọng pháp luật, bình tĩnh, cảnh giác không để bị lôi kéo vào những hành động quá khích, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tập trung làm rõ những sai phạm của cán bộ để xử lý nghiêm minh đồng thời phải xác định đối tượng nào lợi dụng dân chủ để gây rối, phá hoại tình hình an ninh trật tự. Trước tiên phải xử lý cán bộ sai phạm, sau đó xử lý các đối tượng qúa khích.

PV: Trong quá trình công tác, kỉ niệm nào mà ông cảm thấy sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Đó là khoảng tháng 10 năm 1981, khi ấy tôi vừa tốt nghiệp ra trường, công tác tại Công an huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) nhận nhiệm vụ truy bắt nhóm đối tượng trộm cắp. Hồi ấy, băng nhóm này gây ra 9 vụ trộm cắp xe đạp. Những năm đó, xe đạp là tài sản lớn lắm. Bằng biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác lần theo dấu vết đối tượng, biết tên cầm đầu nguy hiểm đang trà trộn vào dòng người đi lễ ở địa phận huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh. Phát hiện đối tượng, tôi đã áp sát nhưng vốn là đối tượng nguy hiểm, khi thấy có người lạ, đối tượng đã rút súng ra nhằm thẳng vào tôi bóp cò. Nhưng thật may, 2 phát đạn đầu tiên không nổ, đến phát thứ ba thì viên đạn cày xuống mặt đất, xuyên qua khe chân tôi. Sau đó, được sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, tôi đã bắt giữ được hắn. Tôi ấn tượng bởi "thần may mắn" đã mỉm cười với mình, một phần nữa là không thể nào quên sự trợ giúp tích cực của nhân dân. Đúng là như lời Bác Hồ đã dạy, không có nhân dân giúp đỡ thì làm việc gì cũng khó.

PV: Chúng tôi tò mò một chút, với công việc nặng nề của mình, vậy thì phu nhân của ông chia sẻ với ông về những áp lực công việc như thế nào?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Với những người vợ có chồng theo nghề binh nghiệp như bà xã tôi thì có thể nói là rất quen và rất thông cảm với những công việc đột xuất, những chuyến công tác đột xuất của chồng. Gắn bó với nhau từ khi tôi mới ra trường đến bây giờ, chứng kiến chồng trải qua rất nhiều nhiệm vụ, từ một anh lính trực tiếp chiến đấu với tội phạm đến bây giờ là lãnh đạo nên bà xã rất hiểu và thông cảm với công việc của tôi.

PV: Mô hình hôn nhân "chồng Công an - vợ giáo viên" hoặc "chồng bộ đội - vợ giáo viên" dường như rất được những người theo binh nghiệp như ông lựa chọn. Không biết ông có lựa chọn mô hình này?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ (cười sảng khoái): Vợ tôi là một giáo viên dạy văn, rất nhẹ nhàng, rất biết chia sẻ với chồng. Chúng tôi lấy nhau từ năm 1979, đến nay là vừa tròn 30 năm. Nói là mô hình cũng có cái lẽ đúng. Thời ấy chúng tôi thường chọn vợ làm giáo viên vì nghĩ mình suốt ngày phải đi công tác, nhận nhiệm vụ đột xuất thường xuyên, nên phải lấy một người vợ làm giáo viên thì mới giúp đỡ được mình nhiều hơn trong việc giáo dục con cái...(cười). Thú thật, cũng là cái duyên trời định nữa, phải có tình cảm chứ không hẳn là mình chọn mô hình "Công an-Giáo viên" là thành vợ chồng được.

PV: Ông có thể chia sẻ một chút về người vợ của mình?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Phải nói thực là bà xã nhà tôi rất thông cảm và hiểu những áp lực công việc của tôi. Từ lúc lấy nhau đến nay cũng đã chứng kiến rất nhiều những giai đoạn thăng trầm của chồng mình, với những nhiệm vụ đã từng trải qua, có những lúc không tránh khỏi có người nọ người kia đến nhà nhờ vả, xin xỏ, bà xã tôi là người khá nhạy cảm, luôn nhắc tôi cảnh giác. Đến bây giờ, tôi nghĩ rằng thành công của tôi như ngày hôm nay là có sự giúp đỡ rất lớn từ bà xã. Tôi tự hào vì có một hậu phương vững chắc.

PV: Thế thì tôi đoán chị nhà hẳn phải là mẫu phụ nữ "vượng phu ích tử", vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con và nấu ăn rất là...?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Vâng. Nấu ăn rất khéo. Tôi thích những món dân dã, dưa cà mắm muối. Thái Bình quê tôi có món canh cá khoai, canh cua đồng mà đi đâu, đã là người Thái Bình cũng đều nhớ. Bà xã tôi thường hay nấu món đó. Tôi thích những món ăn đồng quê...

PV: Sống ở Hà Nội nhưng tâm hồn vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ (cười): Vợ chồng tôi bàn nhau rồi, khi về hưu lại về quê thôi.

PV: Chúng tôi không sống ở thời của ông nhưng cũng hiểu rằng, ở thời đó, tội phạm vị thành niên không gây bức xúc như bây giờ, còn bây giờ dường như tội phạm vị thành niên đang trở thành vấn đề đáng lo ngại?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Quả thực là tội phạm vị thành niên bây giờ là vấn đề đáng lo ngại. Do những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, do những luồng văn hóa ngoại lai. Thời gian qua tôi có đi một số nước chậm phát triển hơn Việt Nam và thấy rằng họ quản lý hoạt động Internet rất tốt, kiểm soát thường xuyên,  liên tục, còn ở ta thì dường như quản lý hoạt động này chưa tốt. Các kênh truyền thông có tác hại với giới trẻ cũng bị kiểm soát chặt chẽ... Điều này thực sự giúp thế hệ trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội. Ở ta thì lại "mở" nhanh quá trong khi các hoạt động quản lý lại không theo kịp.

Chúng ta phải trang bị cho các em nhận thức về những hành vi lệch chuẩn, sự lên án của xã hội và sự trừng phạt của pháp luật để tạo ra "sức đề kháng".

PV: Với nhiệm vụ nặng nề của ông hiện nay, không thể tránh khỏi những áp lực, vậy ông có thể chia sẻ với bạn đọc Cảnh sát Toàn cầu,  áp lực nào hiện nay đối với ông là lớn nhất?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Áp lực lớn nhất của tôi là mỗi buổi sáng, khi nghe trực ban thông báo đêm qua xảy ra bao nhiêu vụ việc liên quan tới tình hình trật tự xã hội. Hôm nào mà ít vụ án xảy ra thì tôi vui lắm, còn nếu xảy ra nhiều vụ việc, nghĩa là trật tự xã hội vẫn bị đe dọa, sự yên ổn của người dân vẫn bị đe dọa. Áp lực ấy thật rất lớn với người chỉ huy.

PV: Theo ông thì hiện nay, loại tội phạm nào khó đấu tranh nhất?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Tôi nghĩ đó là tội phạm tham nhũng, nếu làm chưa triệt để nghĩa là mắc nợ với dân, mà để đấu tranh với loại tội phạm này hiện nay lại vướng mắc nhiều yếu tố liên quan đến pháp luật, cơ chế chính sách, loại tội phạm này thường tinh vi, xảo quyệt, nhiều thủ đoạn nên công tác đấu tranh của cơ quan điều tra thường gặp nhiều khó khăn.

PV: Các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức ngày nay dường như không có những cái tên nhức nhối một thời như Trương Văn Cam hay Khánh "trắng". Hay là bọn tội phạm này đã hoạt động kín kẽ hơn, thưa ông?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Các băng nhóm hoạt động có tổ chức như Trương Văn Cam, Khánh "trắng" là những băng nhóm hoạt động theo bề nổi, gây ra những vụ án hình sự cộm cán, nhưng hiện nay, loại tội phạm này hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, với quy mô lớn và tính chất nguy hiểm hơn. Đặc biệt các đối tượng lại ẩn mình, giấu mặt rất kỹ, có khi đan xen giữa tội phạm kinh tế và tội phạm hình sự, nếu không tinh rất khó phát hiện.

PV: Nghĩa là các băng nhóm hoạt động ngày càng nguy hiểm hơn trước?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Đúng thế. Ngày càng nguy hiểm hơn trước. Có thể bọn tội phạm này núp dưới mác một ông giám đốc hoặc một ông Chủ tịch hội đồng quản trị công ty X, Y nào đó, nhưng lại dùng tiền để chỉ đạo đàn em gây án, chúng thường giấu mặt trong các hoạt động phạm pháp của mình.

PV: Vậy thì đối với loại tội phạm hoạt động đan xen giữa kinh tế và hình sự này, chúng ta có cách gì để đấu tranh?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Trước hết là phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình tốt, đồng thời phải có kiến thức sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực, có quyết tâm cao và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Tôi khuyến khích những cán bộ, chiến sĩ trẻ đi học thêm nâng cao trình độ để có thể hiểu sâu về các lĩnh vực cần đấu tranh. Lớp trẻ có lợi thế là nhiệt tình, năng nổ, nhưng kinh nghiệm chưa nhiều, vì thế sẽ phải học hỏi kinh nghiệm lớp đàn anh đi trước.

PV: Tôi muốn hỏi ông một câu, không biết ông có vui lòng trả lời... Qua một số vụ án điểm từng gây sự chú ý của dư luận,  hình  như, hiện nay, Tổng cục Cảnh sát PCTP đã  không còn mặn mà với báo chí?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Tôi luôn coi báo chí là người bạn đồng hành, là một phương tiện để chúng tôi tuyên truyền tới nhân dân về nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp đồng thời là vũ khí sắc bén trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo như các bạn nói là thời gian qua, Tổng cục Cảnh sát, hình như không mở rộng cửa đối với báo chí thì tôi có thể trả lời thế này: Theo luật, tất cả những vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì chưa được phép cung cấp cho báo chí, khi nào vụ án có kết luận điều tra, chúng tôi sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều khi báo chí vào cuộc ngay từ đầu rất có thể sẽ ảnh hưởng đến hướng điều tra vụ án. Chúng ta nên tôn trọng luật. Sắp tới chúng tôi sẽ công bố một số vụ án kinh tế đã có kết luận điều tra có thể sẽ gây chấn động dư luận.

PV: Hiện nay, xã hội đang tồn tại khá nhiều dạng tội phạm, nhưng  loại tội phạm nào khiến ông bức xúc nhất?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Tôi cho rằng đó là tội phạm ma tuý. Loại tội phạm này không chỉ nước ta và các nước trong khu vực mà phải nói là cả thế giới đều thấy bức xúc, bởi nó có thể hủy hoại tương lai của cả một thế hệ, cả một xã hội. Chúng tôi tuyên chiến với loại tội phạm này tới cùng, một mất một còn với nó chứ không thể nhân nhượng. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý luôn xác định phải quyết tâm tuyên chiến đến cùng với loại tội phạm này. Chúng tôi cũng quan tâm giáo dục cho anh em làm công tác đấu tranh với bọn tội phạm ma tuý có bản lĩnh nghề nghiệp, mưu trí, dũng cảm, không bị mua chuộc vì các đối tượng buôn ma tuý có rất nhiều mưu mô, thủ đoạn, sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để chạy tội hoặc chống trả đến cùng. Đến giờ này tôi có thể tự hào nói rằng, đội ngũ đấu tranh với tội phạm ma tuý là rất có bản lĩnh và trong sạch.

PV: Thế còn loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đấu tranh với loại tội phạm này có khó khăn gì, thưa ông?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Tội phạm sử dụng công nghệ cao thường liên quan đến yếu tố nước ngoài và ngày càng có xu hướng gia tăng phức tạp, gây nhiều hậu quả xấu trên nhiều lĩnh vực. Thời gian qua xảy ra khá nhiều vụ đối tượng tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao để hoạt động gây án trên đất nước ta như chúng làm giả thẻ ATM, hoặc dùng camera quay từ xa để lưu password, mật mã thẻ của khách hàng. Loại tội phạm này đòi hỏi anh em Công an phải luôn nâng cao trình độ. Cục Chống tội phạm công nghệ cao mới ra đời nhưng đã phá được một số vụ án đáng khích lệ. Chúng tôi cũng ưu tiên đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại để anh em có điều kiện phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này. Muốn phát hiện, muốn đấu tranh được thì đòi hỏi trình độ mình phải cao, vì thế cán bộ chiến sĩ chỉ còn cách phải học. Vừa qua, chúng tôi cũng tạo điều kiện để một số cán bộ được đi học ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ, đồng thời cũng ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ về công nghệ thông tin để củng cố đội ngũ này ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi cũng đang đề nghị có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ này.

PV: Trong dịp Tết Canh Dần này, Tổng cục Cảnh sát PCTP đã có những điểm gì đột phá trong công tác bảo vệ trật tự xã hội, giữ gìn cho nhân dân đón xuân vui tết được an toàn?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Trong dịp tết này, chúng tôi tập trung đấu tranh trấn áp các băng nhóm tội phạm, nhất là trên các tuyến và địa bàn. Đặc biệt, Cục Truy nã mới ra đời nhưng dịp tết này đã gánh vác một nhiệm vụ khá nặng nề. Chúng tôi xác định, càng gần đến tết, càng phải làm tốt công tác bắt truy nã và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, bởi nhiều đối tượng trốn truy nã vẫn tiếp tục phạm tội. Số lượng các đối tượng này được kéo giảm, khống chế thì xã hội sẽ bình yên hơn rất nhiều.

PV: Với những người đang phục vụ trong lực lượng Công an, hầu như việc đón tết cùng gia đình là một điều thực sự khó khăn, những nhiệm vụ đột xuất khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ không được ăn tết ở nhà cùng vợ con, ông chia sẻ với họ về điều này thế nào?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Tôi nghĩ, những người đã xác định theo nghề binh nghiệp, nghĩa là cũng xác định tư tưởng rằng, bản thân mình phải hy sinh hạnh phúc riêng tư rất nhiều. Nhưng bù lại, niềm vui cũng như niềm hạnh phúc của một chiến sĩ Công an là khi hoàn thành nhiệm vụ. Họ đã đem lại sự bình yên đến không chỉ cho gia đình mình mà còn cho tất cả những gia đình khác. Đó chính là món quà xuân có ý nghĩa nhất mà họ muốn mang về cho gia đình. Tôi cho rằng, bất cứ cán bộ chiến sĩ nào cũng sẽ quan niệm về hạnh phúc như thế.

PV: Trong năm 2010 này, lực lượng Cảnh sát PCTP sẽ gặp phải khó khăn khi đấu tranh với loại tội phạm nào, thưa ông?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Đó là loại tội phạm phi truyền thống. Với loại tội phạm này, dường như chúng tôi vừa đấu tranh vừa tự rút kinh nghiệm, tự rút ra những bài học và liên tục nâng cao trình độ nghiệp vụ. Ngay từ đầu năm nay, khi triển khai kế hoạch công tác, chúng tôi đã dự báo cho anh em về loại tội phạm phi truyền thống này, cần phải đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Trong năm nay, tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, vì vậy loại tội phạm này cũng sẽ phát sinh và biến tướng tinh vi hơn.

PV: Vậy công tác chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát PCTP sẽ như thế nào?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Chúng tôi tập trung vào công tác phòng ngừa là chính, phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, trinh sát giỏi nghiệp vụ, mạnh dạn giao việc cho các đồng chí trẻ, có nhiệt huyết và giỏi nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả điều tra, giải quyết vụ án.

PV: ông có thể nói những điểm chính trong định hướng của Cảnh sát Việt Nam với các nước trên thế giới và trong khu vực trong lĩnh vực hợp tác quốc tế?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Cảnh sát Việt Nam có rất nhiều công việc phải làm. Tuy nhiên, tôi chỉ đề cập đến vấn đề cần có cầu nối cơ quan đại diện của lực lượng Cảnh sát PCTP với các nước trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực cần phải có sỹ quan liên lạc. Chúng ta cũng đẩy mạnh sự hợp tác trong vấn đề dẫn độ, tương trợ, hỗ trợ tư pháp. Bởi nếu không có hợp tác về dẫn độ thì khi người nước ngoài vào Việt Nam gây án hoặc người Việt Nam gây án ở nước ngoài, quá trình trao đổi thông tin, điều tra, bắt giữ, dẫn độ sẽ có khó khăn nhất định. Vấn đề hợp tác quốc tế, đôi khi hiệu quả còn chưa cao, chế tài còn đang vướng, chưa khai thông. Văn bản pháp lý về dẫn độ tội phạm, nhất là trong các nước trong khối ASEAN cần tạo sự thông thoáng hơn, các nước láng giềng cần thông qua con đường ngoại giao.

PV: Trong quá trình công tác đến nay là liên tục 37 năm trong ngành Công an, ông có kinh nghiệm gì truyền lại cho lớp trẻ?

Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Để trưởng thành đến như ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng, kinh nghiệm tiên quyết của tôi là phải khiêm tốn, học hỏi. Học hỏi từ những người đi trước, học hỏi bạn bè, đồng đội, chịu khó nghiên cứu từng vụ án, rút kinh nghiệm từ chính những thủ đoạn phạm tội của đối tượng để áp dụng trong việc khai thác các vụ án khác. Các lĩnh vực khác trong nghề nghiệp cũng vậy, phải thường xuyên học hỏi, rút kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm sẽ hoàn thành được nhiệm vụ, qua đó nâng tầm tư duy và hành động. Với cái nghề của chúng tôi, khi làm rõ được một vụ án bằng chính những kinh nghiệm đã được rèn luyện qua quá trình học hỏi của mình, đó là niềm vui rất lớn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Xin được chúc ông cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang - thịnh vượng.

Hiền Linh - Quỳnh Anh (theo Cảnh sát Toàn cầu)