Dự án đường Ngô Mây nối dài do Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, được HĐND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 11/7/2019. Thời gian thực hiện dự án từ 2019- 2023 và được khởi công xây dựng vào tháng 7/2020.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện hợp đồng thi công xây dựng đã hết nhưng nhà thầu vẫn chưa triển khai thi công. Hiện nay, rất nhiều hộ dân trong vùng dự án thuộc 2 phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn gặp khó khăn trong việc sửa nhà vì nằm trong vùng dự án. 

Nhiều nhà dân trong vùng dự án xuống cấp. Ảnh: Diễm Phúc

Sáng 21/9, tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Bình Định khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 HĐND tỉnh Bình Định đã xem xét, thảo luận để thông qua Tờ trình và dự thảo Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án đường Ngô Mây nối dài, TP Quy Nhơn; Nội dung điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2023 sang năm 2019-2025.

Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định cho biết, lý do xin điều chỉnh là do, từ năm 2022 đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án được UBND tỉnh giao cho UBND TP Quy Nhơn, Ban QLDA giao thông tỉnh đã bàn giao toàn bộ hồ sơ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Đường Ngô Mây nối dài và các hồ sơ thực hiện dự án khu tái định cư, khu cải táng phục vụ dự án cho UBND TP Quy Nhơn vào ngày 2/3/2022.

Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn khá chậm, từ khi nhận hồ sơ giải phóng mặt bằng của Ban QLDA giao thông tỉnh, UBND TP Quy Nhơn mới chỉ trả tiền cho 9 hộ với số tiền 2,43 tỷ đồng.

Đối với công trình Khu tái định cư phục vụ dự án đường Ngô Mây nối dài được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3965/QĐ-UBND ngày 25/9/2020, đến nay công tác xây dựng Khu tái định cư vẫn chưa được triển khai thực hiện…

Đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét 15 tờ trình và dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

HĐND tỉnh Bình Định đã xem xét nhiều nội dung quan trọng như: Giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước từ vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách tỉnh Bình Định; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2023; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh, bổ sung, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án đầu tư công nhóm B; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng. Ảnh: Diễm Phúc

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, dự báo 3 tháng cuối năm, tình hình còn nhiều khó khăn. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực gặp khó khăn sẽ tác động bất lợi đến đời sống sinh hoạt của Nhân dân và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023, HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu, ngay sau khi kết thúc kỳ họp, UBND tỉnh tổ chức họp triển khai việc thực hiện các Nghị quyết HĐND tỉnh một cách bài bản, cụ thể; chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch thực hiện, đề ra giải pháp cụ thể, nhất là rà soát các chỉ tiêu đạt thấp...

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm gắn với giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo yêu cầu, quy định, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các Chương trình. Tăng cường kiểm tra, kịp thời đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, nhất là những phản ánh, kiến nghị công tác đền bù và giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Diễm Phúc