Chiều 28/8, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hoá toàn quốc năm 2023.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đọc toàn văn thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp hội nghị. Trong thư, Tổng Bí thư nhấn mạnh Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 là cơ hội tốt để các nhà quản lý, những người làm công tác văn hóa, thực hành văn hóa trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau trân quý, nhân rộng những cách làm sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với tinh thần: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông”.

Tổng Bí thư tin tưởng rằng, những người làm công tác văn hóa nói chung, những gương điển hình tiên tiến được tuyên dương nói riêng cần khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đọc thư chúc mừng Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi gặp gỡ 78 điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh, những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị, ngành nghề nào cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, vì cộng đồng và xã hội.

Thủ tướng trân trọng những cống hiến, đóng góp của đội ngũ những người làm công tác văn hóa trên toàn quốc và gửi lời chúc mừng 78 điển hình tiên tiến ngày hôm nay và ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Văn hóa thời gian qua.

Để phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc cũng như tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp cho ngành Văn hoá trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thứ nhất, quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; phải xây dựng những chương trình, kế hoạch, đề ra nhiệm vụ cụ thể, lộ trình rõ ràng, đúng người, đúng việc.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trên tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo.

Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Thứ tư, khẩn trương hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh với trọng tâm là bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc.

Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao, phản ánh đầy đủ, sinh động, hấp dẫn những nét đẹp truyền thống của dân tộc và thực tiễn quá trình đổi mới của đất nước. Bảo tồn bền vững, phát huy hiệu quả những di sản văn hóa của dân tộc, gắn kết và làm động lực phát triển kinh tế, thể thao, du lịch. 

Thứ sáu, phát triển mạnh mẽ hơn nữa thể thao quần chúng để vừa nâng cao sức khỏe toàn dân vừa làm tiền đề phát triển thể thao thành tích cao. Tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm những tài năng thể thao; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong lĩnh vực thể thao thành tích cao.

Thứ bảy, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch theo hướng hiện đại với nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, tạo giá trị khác biệt, giá cả cạnh tranh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước, con người Việt Nam.

Thứ tám, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ. Kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích, các gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công tác văn hóa, văn nghệ tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thứ chín, các cán bộ ngành văn hóa cần tích cực rèn luyện, trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị, nâng cao chuyên môn, hăng hái thi đua, trở thành tấm gương sáng, có sức ảnh hưởng, có khả năng truyền cảm hứng đối với cộng đồng, xã hội.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL hứa toàn ngành sẽ cụ thể hóa phong trào thi đua yêu nước như phát biểu của Thủ tướng, làm sâu sắc hơn nữa những chỉ bảo ân cần của Tổng Bí thư trong bức thư gửi cho ngành tại hội nghị.

Nghệ nhân dân dân Hoàng Thị Bích Hồng (Thái Nguyên) đã dạy hơn 700 học sinh là những người yêu thích đàn tính, hát then là 1 trong 78 gương mặt điển hình tiên tiến của ngành văn hoá năm 2023.

Bà khẳng định: "Hát then, đàn tính, các giai điệu gắn với đời sống dân tộc chúng tôi, rất cần được lưu giữ. Tôi đã dạy hát then, đàn tính cho người nhỏ nhất là lớp 3, người cao tuổi nhất là 86 tuổi. Tôi rất mừng vì nhiều người yêu thích nghệ thuật hát then, đàn tính. Đó là cơ duyên, xác lời ca, giai điệu đàn tính, hát then gắn với đời sống của người dân tộc, thấm đẫm trong đời sống", nghệ nhân Bích Hồng chia sẻ.

Diễn viên múa Phạm Thu Hằng (Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam) là tấm gương về sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo vươn lên để cống hiến toả sáng và có thể chinh phục các tác phẩm múa có chiều sâu, nội dung chất lượng.

Kể lại kỷ niệm thời thơ ấu và "sức mạnh vô hình" trở thành diễn viên múa, Phạm Thu Hằng chia sẻ:  "Hai từ 'đau đớn' gắn liền với sự nghiệp của diễn viên múa, khi đã quyết định trở thành diễn viên múa phải có ý chí mạnh mẽ, bởi bất cứ khi nào đau đớn cũng sẽ khiến bản thân dễ dàng bỏ cuộc.

Tôi có một quan niệm đơn giản đó là cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim nhanh nhất. Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải chăm chỉ và có trách nhiệm với công việc, luôn luôn đặt cái tâm lên hàng đầu nghề sẽ không phụ mình.

Múa bản chất là khổ luyện, có những ngày tôi đau đớn, 10 đầu ngón chân chảy máu, thậm chí bật cả móng chân nhưng vẫn phải tiếp tục đứng lên, xỏ chân vào giày, nghĩ về những tháng ngày mình đã khổ luyện trên sàn, đổ mồ hôi và nước mắt để đổi lại những phút giây thăng hoa trên sân khấu và được đứng tại đây ngày hôm nay".

Lê Thị Thuý Tình, Đặng Hoài Thanh, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Thành Huế