Tuyên Hoá là huyện miền núi ở phía Tây Bắc của Quảng Bình. Năm 2024, huyện tập trung thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, quan tâm tới địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo phương châm đa chiều, bao trùm, bền vững.

Huyện hiện có 241 hộ với 898 khẩu là người dân tộc Mã Liềng, nằm trong nhóm dân tộc thiểu số rất ít người cần đặc biệt được quan tâm. Các hộ dân này sinh sống tại bản Kè, bản Cáo, bản Chuối (xã Lâm Hóa) và bản Kà Xen (xã Thanh Hóa).

Quan tâm tới giáo dục, tại các xã này, cơ sở hạ tầng, hệ thống trường, lớp học tiếp tục được đầu tư xây mới; các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ sách, vỡ, giấy bút cho học sinh, thuốc chữa bệnh cho nhân dân, vận động 100% trẻ em đúng độ tuổi đến trường. Tình trạng học sinh bỏ học ở các cấp học đã giảm hẳn.

UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và sinh viên là người dân tộc thiểu số với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; Giải quyết trợ cấp xã hội cho 11 trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, công tác khám chữa bệnh cho đồng bào luôn được quan tâm. Cán bộ trạm y tế thường xuyên về các bản để nắm tình hình bệnh tật, kịp thời thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Ngoài hỗ trợ giá giống, cây trồng các loại và phân bón, chăm lo cho hộ nghèo, huyện hỗ trợ tiền điện sáng cho 182 hộ nghèo, với số tiền hơn 51,6 triệu đồng. 

Hiện nay, huyện Tuyên Hoá đang triển khai mô hình điểm chăn nuôi dúi với 20 hộ dân tham gia, có 120 con; mô hình chăn nuôi lợn bản địa có 55 hộ dân tham gia, với 275 con.

Song song với các hoạt động chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, huyện Tuyên Hoá cũng quan tâm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác trong huyện. 

Mới đây, ngày 26/9, Ủy ban MTTQ xã Mai Hóa tổ chức Hội nghị ra mắt mô hình hỗ trợ sinh kế cho 4 hộ gia đình nghèo tại xã. Mô hình hoạt động theo hình thức MTTQ xã hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng tiền mặt để mua bò cái lai sinh sản, các hộ tự đối ứng để mua bò với giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, duy trì đàn bò cho đến khi thoát nghèo.

W-nong thon .jpg
Huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) đa dạng hoá mô hình sinh kế hỗ trợ người nghèo.

Tổng số tiền để thực hiện hiện mô hình là 59 triệu đồng, trong đó UBMT xã trích Quỹ “Vì người nghèo” 10 triệu đồng và kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ 10 triệu đồng; các hộ tự bỏ kinh phí 39 triệu đồng.

Mô hình được kỳ vọng sẽ giúp chuyển biến nhận thức phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; giúp các hộ có điều kiện tạo thu nhập để phục vụ các dịch vụ xã hội cơ bản khác, giảm nghèo đa chiều, nhanh và bền vững không chỉ cho gia đình mà còn góp phần vào kết quả chung của toàn xã. 

Tại huyện Tuyên Hoá, 5 năm qua, MTTQ huyện đã hỗ trợ bò giống cho 539 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ chương trình, đề án đã giúp đỡ một phần cho 450 hộ gia đình thoát nghèo và duy trì tổng đàn chăn nuôi của huyện.

Không chỉ quan tâm sinh kế cho người nghèo, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên tại huyện Tuyên Hoá cũng chăm lo nhà ở cho người dân nghèo có mái ấm kiên cố, vững chãi. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được Ủy ban MTTQ huyện triển khai tích cực, trong nhiệm kỳ vừa qua đã vận động được trên 1,8 tỷ đồng, góp phần xây dựng mới 20 nhà ở và sửa chữa 42 nhà ở cho hộ nghèo.

Mới đây, giữa tháng 7, Ủy ban MTTQ huyện Tuyên Hóa phối hợp với một doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức lễ trao kinh phí hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho 30 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi ngôi nhà được hỗ trợ  50 triệu đồng để xây dựng. Tổng kinh phí đợt hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng. 

Hộ ông Nguyễn Quyết Thắng, ở xã Lê Hóa, là một trong 30 hộ nghèo được nhận hỗ trợ lần này. Xúc động cảm ơn cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp và doanh nghiệp đã quan tâm, chăm lo và kịp thời giúp đỡ các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông Thắng cho biết việc hỗ trợ để xây dựng được ngôi nhà kiên cố, sạch đẹp đã giúp ông và nhiều gia đình biến mơ ước thành hiện thực, giúp họ an tâm lao động ổn định cuộc sống.

Ông Mai Văn Minh, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa, chia sẻ những ngôi nhà mới đem lại niềm vui không chỉ cho các gia đình khó khăn mà còn giúp chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn. Ông mong muốn thời gian tới huyện  tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để giúp các hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát, có cuộc sống ổn định.

Hiện nay, tại Tuyên Hoá, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, bản, tổ dân phố của xã, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với vốn tín dụng.

Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, UBND huyện Tuyên Hoá đã chuyển gần 10 tỷ đồng từ ngân sách sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện, góp phần tăng tỷ lệ hộ được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội.