Tỉnh Tuyên Quang là một trong 7 tỉnh được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều. Đây vừa là điểm bán hàng thiết yếu, vừa là điểm thu mua, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Vừa triển khai nhưng bước đầu, mô hình thương mại hai chiều tại tỉnh Tuyên Quang đã được người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận tích cực. Mô hình kết nối cung cầu địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hàng hóa được lưu thông thuận lợi theo hai chiều góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống, cơ sở bán buôn, bán lẻ.
Từ tháng 11/2023, mô hình thương mại hai chiều được triển khai một số hộ kinh doanh ở xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đa số các hộ này đều thuộc đối tượng hộ gia đình người dân tộc thiểu số.
Xã Lực Hành là xã khu vực III, thuộc khu vực khó khăn của huyện Yên Sơn. Xã có 3.700 nhân khẩu, 80% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,86%.
Mô hình thương mại hai chiều được xây dựng trên địa bàn xã thực sự rất cần thiết đối với xã không có chợ nông thôn như Lực Hành. Có mô hình này, người dân sẽ được cung cấp các sản phẩm thiết yếu rõ nguồn gốc, đảm bảo hơn về chất lượng, đồng thời là nơi để người dân trao đổi những sản phẩm địa phương, vùng miền của tỉnh.
Theo đánh giá ban đầu, mô hình thương mại hai chiều đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, nhiều sản phẩm hàng hóa tốt được kiểm soát về an toàn thực phẩm sẽ được đưa ra thị trường. Đây cũng là một bước để đưa được sản phẩm, hàng hóa vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong các kênh tiêu thụ trong nước.