Xác định tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho cộng đồng là giải pháp cốt lõi trong phòng chống mua bán người, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên toàn tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác này.
Ngày 30/7/2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công an huyện Tràng Định; Đồn Biên phòng Pò Mã và Đảng ủy xã Quốc Khánh đã tổ chức chương trình tuyên truyền pháp luật cho gần 300 đại biểu đại diện các cơ quan, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đã ghi nhận 211 vụ vi phạm pháp luật hình sự, tăng 89 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, hơn 120 vụ liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và an ninh mạng. Đáng chú ý, tội phạm xâm hại trẻ em có 06 vụ; lực lượng chức năng đã tiếp nhận 640 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, trong đó có 18 trường hợp là công dân Lạng Sơn và xử lý 4 trường hợp khác về việc xuất cảnh trái phép.
Tại buổi tuyên truyền, các lực lượng chức năng đã truyền đạt đến các đại biểu và nhân dân trên địa bàn những nội dung quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, bao gồm: ngăn chặn tội phạm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; phòng, chống hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và mua bán người; tuyên truyền về tội phạm xâm hại trẻ em cũng như những hành vi vi phạm pháp luật do người dưới 16 tuổi thực hiện.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm giúp các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn về tình hình thực tế tại địa phương, từ đó đề xuất giải pháp hợp lý để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm
Thông qua hình thức tuyên truyền trực tiếp, sinh động đã thu hút sự quan tâm, chú ý và giúp người dân hiểu rõ về những thủ đoạn mới của tội phạm liên quan đến mua bán người và sử dụng công nghệ cao. Đồng thời cũng nâng cao nhận thức của người dân về các loại tội phạm đang ngày càng diễn biến phức tạp. Các hình thức tuyên truyền đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết để phòng chống hiệu quả các loại tội phạm.
Trong những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn cũng tổ chức nhiều diễn đàn, truyền thông về phòng chống mua bán người có quy mô cấp tỉnh tương đối hiệu quả. Điển hình là vào ngày 30/7 hằng năm, Hội tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng chống mua bán người tại các huyện, thành phố.
Năm 2018, Hội tổ chức Diễn đàn Phụ nữ Lạng Sơn với công tác phòng chống mua bán người tại huyện Tràng Định; năm 2019 tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng chống mua bán người tại thành phố Lạng Sơn; năm 2020 thực hiện truyền thông phòng chống mua bán người tại huyện Bình Gia.
Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, tọa đàm, giao lưu, truyền thông, diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua các nền tảng số. Nội dung tuyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người, những thủ đoạn của các đối tượng mua bán người…
Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 4.141 cuộc tuyên truyền cho gần 117.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ. Ngoài ra, các cấp Hội còn duy trì 616 Câu lạc bộ “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Gia đình hạnh phúc bền vững”, “Bình đẳng giới – Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Phòng, chống mua bán người”; duy trì 1.540 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nhằm hạn chế tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa, xuất cảnh lao động trái phép, có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Theo bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn, thời gian tới, Hội sẽ chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về phòng chống mua bán người; tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình, truyền thông phòng chống mua bán người có hiệu quả; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và phụ nữ bị mua bán người tái hòa nhập cộng đồng.