Công tác tuyên truyền có vai trò, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước chỉ có thể đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực của đời sống xã hội khi nào chúng ta làm tốt việc tổ chức học tập tuyên truyền, mà nhất là công tác tuyên truyền miệng làm cho nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ, biến nhận thức thành tình cảm, trách nhiệm, quyết tâm hành động thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bác Hồ đã giải thích: “Tuyên truyền là đem một phần việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm, nếu không đạt được mục tiêu đó thì tuyên truyền thất bại”.

Thời gian qua các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, đã lãnh chỉ đạo và thực hiện với nhiều hình thức khá phong phú như tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền thanh), tuyên truyền thông qua các hình thức sinh hoạt chính trị (hội thi, hội thảo, toạ đàm…), tuyên truyền bằng các phương tiện trực quan (khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh ảnh…) thông qua sinh hoạt chi, tổ, hội; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các đội thông tin lưu động, tham quan, thư viện; tuyên truyền thông qua các hoạt động giao tiếp xã hội, các lễ hội, các câu lạc bộ, nhóm sở thích, nghề nghiệp; tuyên truyền qua các chuyên mục, trang website của Mặt trận và các tổ chức thành viên…

Nguyễn Hồng Dương phát biểu tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền miệng của tỉnh Quảng Ninh

Các hình thức tuyên truyền đó được Mặt trận, các tổ chức thành viên tiến hành phù hợp với các đối tượng của mình phụ trách, tạo sự đồng thuận nhất quán với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tạo nên phong trào hành động cách mạng sôi nổi góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Hiện nay, công tác tuyên truyền có sự hình thành đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên rộng khắp địa bàn dân cư. Chính từ đó các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sớm được đưa đến tận quần chúng nhân dân biết, hiểu để làm theo.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội quần chúng đã thể hiện được nhiệm vụ, chức năng của mình tuyên truyền giáo dục đoàn viên, hội viên và nhân dân, đồng thời tập hợp đông đảo vào các loại hình tổ chức làm nồng cốt hướng dẫn nhân dân tích cực tham gia thật tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chính từ hoạt động nầy giúp cho Mặt trận, các đoàn thể vào việc củng cố xây dựng mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân được chặt chẽ hơn; đa số các chủ trương, chương trình, đề án đều được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng, an ninh chính trị được giữ vững, kinh tế xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên rõ nét, tạo ra một xã hội hài hoà, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền từng lúc chưa được đổi mới, đi vào chiều sâu, nội dung hình thức tuyên truyền chưa được phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ làm công tác tuyên truyền, là những báo cáo viên, tuyên truyền viên của Mặt trận, đoàn thể cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu thực tế (hội trường cơ sở chật hẹp, tài liệu, máy móc âm thanh, máy vi tính, máy chiếu, màn chiếu, . . rất hạn chế; báo cáo viên chỉ nói một chiều làm cho người dân rất khó nhớ). Và trên thực tế, nhiều tổ chức đoàn, hội cơ sở còn rất lúng túng trong việc tổ chức tuyên truyền học tập cho cán bộ đoàn viên, hội viên và nhân dân. Việc nắm và quản lý cũng chưa được chặt chẽ, chỉ tập trung vào một bộ phận tích cực, nên việc tuyên truyền chưa được đều khắp.

Nguyên nhân do cán bộ làm công tác tuyên truyền ít được tập huấn để nâng cao khả năng chuyên môn. Vì vậy việc tuyên truyền, triển khai chủ trương, Nghị quyết chỉ đạt ở mức độ nhất định, chưa đáp ứng tốt yêu cầu; tài liệu tuyên truyền còn hạn chế, nội dung chưa đáp ứng cho các đối tượng cần được tuyên truyền; một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức cho công tác tuyên truyền, còn có quan niệm chung chung trong chỉ đạo tập trung vào thực hiện.

Hiện nay, chúng ta có rất nhiều kênh, nhiều hình thức để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng đền các tầng lớp nhân dân. Trong mỗi hình thức cách làm đó đều có mặt được và chưa được và tác động nhất định đến chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền. Khi chưa có hình thức nào mới hơn, tốt hơn để thay thế bổ sung, thì chúng ta tiến hành từng bước đổi mới nội dung, biện pháp, cách tổ chức thực hiện sao cho việc học tập chủ trương, Nghị quyết của Đảng phù hợp với đối tượng cần được tuyên truyền và để đạt được mục đích của công tác tuyên truyền, đạt chất lượng hiệu quả cao hơn.

Đoàn Bổng, Đăng Tấn, Lệ Yên