Sức mạnh của Iran

"Iran quá mạnh. Họ ở một đẳng cấp ngoài châu lục, và có khả năng đi đến trận đấu cuối cùng của giải đấu", Jan Kocian - HLV trưởng Yemen - thừa nhận sau trận thua 0-5.

{keywords}
Iran đã thể hiện hình ảnh ứng viên vô địch khi thắng Yemen 5-0

Trong lượt trận đầu tiên ở bảng D, Yemen gần như không thể có bất kỳ phản ứng nào trước sức mạnh của Iran.

Jan Kocian nói về lối chơi của Iran: "Họ sở hữu những cầu thủ kỹ thuật tốt, và chơi thứ bóng đá ở cường độ cao. Iran đơn giản là quá mạnh".

Trong khi đó, cựu tuyển thủ Iran, ông Amir Ghalenoei, cũng phân tích đội tuyển của HLV Carlos Queiroz cân bằng và mạnh mẽ.

"Yemen tương đối yếu. Nhưng chiến thắng của Iran cho thấy sự gắn kết giữa các cầu thủ. Đội tuyển với Carlos Queiroz xứng đáng vô địch Asian Cup 2019, dù mới chỉ đá 1 lượt trận".

Sức mạnh của Iran đến từ khả năng kiểm soát bóng và thực hiện những đường chuyền đa dạng. Các cầu thủ Tây Á với thể hình cao to nhưng chơi đầy kỹ thuật.

Trước Yemen, Iran bóp nghẹt đối thủ bằng sự áp đảo toàn diện: kiểm soát bóng đến 70,7%, thực hiện 607 đường chuyền (đạt tỷ lệ chính xác 86,5%).

"Team Melli" thực hiện 20 pha dứt điểm, thì 10 trong số đó đi chính xác, và 5 chuyển hóa thành bàn thắng. Thậm chí, nếu chắt chiu thì họ có thể thắng đậm hơn nữa.

Đi tìm hạn chế của Iran

Chỉ một trận đấu, nhưng có thể thấy Iran đã thể hiện vị thế ứng viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch, cũng như đẳng cấp thế giới.

{keywords}
Khả năng tấn công trung lộ của Iran không thực sự tốt

Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo. Bóng đá không theo bất kỳ logic nào, nên luôn tồn tại những bất ngờ hấp dẫn, nếu nhận ra được hạn chế của đối thủ.

Ở đây, sau trận thắng Yemen, Iran đang cho thấy sự hạn chế về khả năng tấn công trung lộ, dù HLV Carlos Queiroz bố trí đội hình 4-1-4-1.

Tiền vệ Omid Ebrahimi - người mang áo... số 9, đánh chặn khá tốt, nhưng anh không giỏi trong việc tổ chức tấn công.

Vahid Amiri và Ashkan Dejagah - cầu thủ mang hai quốc tịch Iran và Đức - được Carlos Queiroz xây dựng như những tiền vệ công ở trung tâm lối chơi. Có điều, họ vốn là các cầu thủ chạy cánh, nên không phát huy tối đa năng lực.

Iran hiện tại không có một "số 10" cổ điển, giống như Ali Karimi trước đây (1998-2012). Alireza Jahanbakhsh, một ngôi sao Premier League, cũng thiên đá cánh. Chỉ đội trưởng Masoud Shojaei là đá tốt vai trò nhạc trưởng ở giữa sân, nhưng anh đã 34 tuổi.

Trước Yemen, Iran chỉ có 20,1% số pha tấn công trung lộ. Như vậy, nếu HLV Park Hang Seo bố trí Hùng Dũng đá cặp Huy Hùng, tuyển Việt Nam có thể hạn chế đáng kể những pha luân chuẩn bóng của "Team Melli".

Hoặc, HLV Park Hang Seo có thể kéo Quang Hải trở lại vị trí tiền vệ trung tâm, để phát huy sự sáng tạo của anh.

Nhiệm vụ khóa chặt đôi cánh

Hạn chế của Iran nằm ở khả năng tổ chức bóng trung lộ. Nhưng để tìm kiếm kết quả tích cực nhất, HLV Park Hang Seo phải có cách khóa chặt đôi cánh đối thủ - hạn chế những pha rót bóng cho "Messi Iran" Sardar Azmoun, với chiều cao 1,86 mét.

{keywords}
Trọng Hoàng là chìa khóa để Việt Nam tìm kiếm khác biệt, với nhiệm vụ khóa ngòi nổ Taremi

Hậu vệ phải Ramin Rezaeian chơi năng nổ và đầy tốc độ, cũng như tranh chấp tốt. Anh cùng tiền vệ cánh Mehdi Torabi phối hợp ăn ý, tạo ra 38,5% số pha tấn công của Iran.

Với sức mạnh này, Văn Hậu có thể trở lại, cũng như được kéo xuống thấp để tập trung phòng ngự. Tốc độ của cầu thủ trẻ đội Hà Nội cũng sẽ gúp tuyển Việt Nam có cơ hội phản công nhanh.

Nguy hiểm hơn là cánh trái Iran, nơi có tiền đạo Mehdi Taremi và hậu vệ đội phó Ehsan Hajsafi - người mới 28 tuổi nhưng đã có 102 trận khoác áo ĐTQG.

Cặp đôi Taremi - Hajsafi là hạt nhân của 41,4% số pha tấn công mà Iran tạo ra trước Yemen. Riêng Taremi ghi 2 bàn, và kiến tạo 1 bàn.

Đây là thử thách dành cho Trọng Hoàng, điểm tựa bên hành lang phải của tuyển Việt Nam. Sự thể hiện của cầu thủ người Nghệ An sẽ quyết định trực tiếp đến kết quả trận đấu trên sân Al-Nahyan, ở Abu Dhabi, vào chiều mai 12/1.

Kim Ngọc