Theo đơn kiện, Twitter cho rằng với việc hạn chế công ty công bố số lượng yêu cầu thông tin cá nhân từ các tổ chức công, chính phủ đang vi phạm quyền First Amendment của người dùng. “Chúng tôi muốn người dùng có sự minh bạch mà họ đáng được hưởng song vô ích”, Ben Lee, Phó Chủ tịch các vấn đề pháp lý của Twitter cho biết.

Đây là động thái mới nhất trong trận chiến dằng co giữa chính phủ Mỹ và các hãng công nghệ đang nắm giữ thông tin của hàng tỷ người dùng đang sử dụng dịch vụ hàng ngày. Với các cơ quan như NSA, công ty công nghệ thường có được dữ liệu về nghi phạm mà họ đang theo dõi. Nhiều tổ chức đều đặn yêu cầu được cung cấp dữ liệu người dùng để điều tra.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, các doanh nghiệp này lại bị luật pháp hạn chế trong việc công khai cho người dùng biết về yêu cầu của chính phủ. Điều đó đặt Twitter, Google hay Facebook vào tình thế khó xử.

Google bắt đầu tung ra báo cáo minh bạch thường niên nhằm mục đích mang lại cái nhìn rõ hơn về số lượng yêu cầu dữ liệu mà hãng nhận được cho công chúng. Các hãng khác như Twitter cũng đi theo con đường của Google. Song, họ đang đấu tranh để được quyền chia sẻ nhiều hơn về loại dữ liệu và loại yêu cầu phải trao cho chính phủ.

Năm 2013, sau khi cựu nhân viên tình báo Edward Snowden “gây bão” khi tiết lộ mối quan hệ mật thiết giữa chính phủ và công ty công nghệ, một số hãng lớn tại thung lũng Silicon đã lên tiếng yêu cầu thay đổi luật pháp hiện tại về công khai yêu cầu dữ liệu.

Tháng 12/2013, tám hãng bao gồm Google, Apple và Microsoft hình thanfh liên minh để vận động hành lang Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc hội kiểm soát chặt chẽ hơn quy mô của chương trình theo dõi người dùng. Nhóm đã gặt hái được thành công ban đầu khi ký thỏa thuận với Bộ Tư pháp tháng 1/2014 song Twitter không tham gia.