Tỷ giá trong nước
Ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.241 đồng (tăng 5 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ phổ biến ở mức 23.350 đồng (mua) và 23.530 đồng (bán).
Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.350 đồng/USD và 23.530 đồng/USD. Vietinbank: 23.340 đồng/USD và 23.520 đồng/USD. ACB: 23.370 đồng/USD và 23.520 đồng/USD.
Tỷ giá ngoại tệ |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, các Hiệp hội trên địa bàn liên quan đến Thông tư 01.
Chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp người dân biết.
Tỷ giá ngoại tệ
Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,27% ở mức 99,83.
Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Minneapolis, Neel Kashkari, các ngân hàng lớn của Mỹ cần huy động ngay 200 tỷ USD vốn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19.
Ông Kashkari cho biết, năm 2008, người đóng thuế Mỹ đã bơm 200 tỷ USD vốn để tăng tiềm lực cho các ngân hàng. Theo ông, việc huy động lượng vốn trên từ các nhà đầu tư tư nhân như một biện pháp mạnh nhằm ứng phó với đại dịch sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng lớn có thể hỗ trợ nền kinh tế trong nhiều kịch bản dịch bệnh khác nhau.
Trong bối cảnh nguồn vốn hỗ trợ ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang dần "cạn kiệt", các cuộc đàm phán về đề xuất hỗ trợ khẩn cấp 250 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đảm bảo việc làm cho người lao động của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy nhanh.
Theo báo cáo phát hành vào tháng 4 về "Ổn định tài chính toàn cầu" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các điều kiện tài chính toàn cầu đã được siết chặt lại vào tháng 3 năm nay sau khi được nới lỏng suốt năm 2019 và đầu năm 2020.
IMF cho rằng, việc thắt chặt này cũng do sự suy giảm giá trị doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lan rộng. Do đó, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 còn 3%, giảm so với mức 3,3% được đưa ra vào tháng 1/2020. Giảm tăng trưởng cũng ngụ ý gia tăng rủi ro cho ổn định tài chính.
Bộ Tài chính Anh dự kiến sẽ công bố gói cứu trợ lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của nước này trong vài ngày tới. Mục đích của gói cứu trợ này là nhằm đảm bảo các nhà đầu tư mạo hiểm tiếp tục rót vốn vào các công ty khởi nghiệp, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 12/4, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể giảm từ 25-30% trong quý II/2020.
Ngân hàng trung ương Philippines đã quyết định giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) để hỗ trợ nền kinh tế đang đối mặt với cuộc khủng hoảng vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là lần thứ 3 Philippines cắt giảm lãi suất trong năm nay, đưa lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 2,75%. Trước đó, ngân hàng này từng giảm 25 bps lãi suất cơ bản hồi tháng 2 và tiếp đó giảm thêm 50 bps vào tháng 3 vừa qua. Lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 17/4. Quyết định này được đưa ra trước khi ngân hàng tổ chức họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 21/5 tới.
Đông Sơn