Tỷ giá trong nước

Ngày 24/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.272 đồng (tăng 11 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).

Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ phổ biến ở mức 23.390 đồng (mua) và 23.570 đồng (bán).

Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.390 đồng/USD và 23.570 đồng/USD. Vietinbank: 23.395 đồng/USD và 23.575 đồng/USD. BIDV: 23.400 đồng/USD và 23.580 đồng/USD. ACB: 23.425 đồng/USD và 23.575 đồng/USD.

{keywords}
Tỷ giá ngoại tệ 

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, phiên huy động của Kho bạc Nhà nước phát hành có tổng khối lượng phát hành 3.500 tỷ đồng với các kỳ hạn 10, 15 năm (mỗi kỳ hạn 1.500 tỷ đồng) và 20 năm (500 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được 1.288 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu cải thiện lên mức 36,8%. Lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn đều tăng 0,10%/năm.

Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Di cư và Kiều hối mới trong đó dự báo năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu được dự báo sẽ giảm mạnh khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và nhiều hoat động bị đình trệ.

Năm 2020, kiều hối sụt giảm sau khi lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 554 tỉ USD trong năm 2019, vượt lượng vốn FDI. Cho dù sụt giảm như vậy nhưng kiều hối được dự kiến vẫn là nguồn tài chính quốc tế quan trọng đối với các quốc gia này bởi FDI dự báo còn giảm sâu hơn (trên 35%).

Việt Nam là nước nhận kiều hối lớn thứ ba trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2019. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái lên tới 17 tỉ USD, chiếm 6,5% GDP.

Tỷ giá ngoại tệ

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,33% ở mức 99,78.

Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo của khối này đã thông qua gói tài chính trị giá 540 tỷ euro để hỗ trợ các quốc gia và doanh nghiệp đối phó với đại dịch COVID-19. Gói tài chính này sẽ sẵn sàng trước ngày 1/6.

Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính EU hôm 10/4 đã đồng thuận về gói hỗ trợ trên với 3 mục tiêu gồm: thông qua quỹ Cơ chế Ổn định châu Âu (MES) để trang trải các chi phí liên quan trực tiếp và phi trực tiếp đến đại dịch COVID-19; chấp thuận sáng kiến của Ngân hàng Đầu tư châu Âu về việc hỗ trợ tài chính 200 tỷ euro cho các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại EU; và 100 tỷ euro giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia thành viên.

Theo các chuyên gia dự đoán, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ sử dụng đến cái gọi là "tiền trực thăng" – phát tiền cho người dân để kích thích tiêu dùng, trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Các quốc gia châu Âu là một trong những bên bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP khu vực EU zone sẽ giảm 7,5% trong năm nay. ECB đã thực hiện các bước đi khác nhau nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh, bao gồm cam kết mua 750 tỷ euro (815 tỷ USD) trái phiếu có chủ quyền trong năm nay.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) đã chịu tổn thất nặng nề trong quý I/2020 với 38,2 tỷ CHF (39,2 tỷ USD) do những bất ổn trên thị trường chứng khoán trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Kể từ năm 2015, chính sách tiền tệ của SNB đã dựa trên mức lãi suất âm 0,75%. Bên cạnh chính sách lãi suất âm, SNB thường xuyên bán đồng CHF trên thị trường quốc tế và mua tài sản bằng ngoại tệ trong nỗ lực giảm giá trị đồng CHF.

Đông Sơn