Uber là một trong các dịch vụ taxi được ưa chuộng hiện nay, tuy nhiên nó không tránh khỏi nhiều thách thức tại những nước đang hoạt động vì nhiều lý do khác nhau. Mới đây nhất, Uber va chạm với nhà chức trách Ấn Độ vì cách khách hàng trả phí.

Rắc rối của Uber tại Ấn Độ xuất phát từ việc các tài xế taxi nước này phàn nàn tài xế Uber vi phạm luật thanh toán qua thẻ tín dụng của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI). Theo đó, RBI yêu cầu mọi thanh toán qua thẻ tín dụng phải xác thực hai bước. RBI cho rằng Uber phạm luật và ra hạn chót 30/11 để công ty tuân thủ các quy định.

Để đáp ứng yêu cầu này, Uber kết hợp với hãng ví điện tử Paytm, vì thế bất kỳ ai sử dụng hệ thống Uber sẽ không cần trực tiếp dùng thẻ tín dụng nữa và vì thế sẽ không cần đến xác minh hai bước. Trong một blog, Uber chỉ trích hệ thống 2 bước là “không cần thiết và hà khắc”, gây phiền nhiễu cho người dùng và doanh nghiệp khắp Ấn Độ. Hãng cũng đề nghị gia hạn 45 ngày để có thời gian nâng cấp xe hơi, xử lý xác thực hai bước.

Trong một diễn biến khác, cơ quan quản lý các hãng taxi Thái Lan tuyên bố Uber phi pháp. Theo trả lời của Cục Giao thông Đường bộ Thái Lan trên tờ Bangkok Post, Uber phi pháp vì các lý do: xe Uber đăng ký không đúng cách; tài xế không được cấp phép; cước phí nằm ngoài quy định; dịch vụ không có sẵn với những người không có thẻ tín dụng.

Thái Lan đã tiến hành tìm kiếm và phạt các lái xe Uber. Những người bị cảnh sát bắt gặp có thể bị phạt tối đa 4.000 baht (khoảng 2,7 triệu đồng) vì vi phạm luật quản lý taxi. Hiện Uber chưa bình luận gì về rắc rối tại Thái Lan.

Thái Lan chỉ  là một trong nhiều nước chống lại Uber trong vài tuần gần đây. Cuối tháng 11/2014, Uber phải tạm dừng hoạt động tại bang Nevada (Mỹ) theo phán quyết của một tòa án khu vực. Lí do của lệnh cấm là Uber không tuân thủ các quy tắc hoạt động của các hãng taxi trong bang. Eva Behrend, phát ngôn viên của Uber, cho biết hãng đang làm việc với các nhà chức trách để khắc phục vấn đề.

Một tin xấu khác tiếp tục đến với Uber là ngày 12/12 tới đây, Pháp sẽ quyết định dịch vụ Uberpop của Uber có được hoạt động tại nước này hay không. Trước đó, hồi tháng 9/2014, Uber từng đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động trên toàn nước Đức song đã phúc thẩm thành công. Tuy nhiên, công ty Mỹ không thoát khỏi việc bị cấm tại 2 trong số các thành phố lớn nhất nước Đức là Humburg và Berlin do không tuân thủ luật chuyên chở hành khách.

Tòa án Berlin và Hamburg cho rằng tài xế Uber thiếu giấy phép hành nghề. “Dịch vụ vi phạm nhiều luật chuyên chở có tác dụng bảo vệ hành khách. Lệnh cấm nhằm bảo vệ sự tồn tại và chức năng của dịch vụ taxi vốn đóng vai trò quan trọng với công chúng”, người phát ngôn của tòa án Berlin trả lời hãng tin tài chính Bloomberg.