Ý kiến trên của luật sư tuyên bố rằng ứng dụng gọi xe của Mỹ “phải được phân loại là ‘một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải’”. Nếu Tòa án Công lý châu Âu đưa ra phán quyết cuối cùng vào cuối năm nay, đồng ý Uber là một công ty vận tải, thì đó sẽ là một cú giáng mạnh vào Uber.

Uber từng lập luận rằng hãng chỉ cung cấp “các dịch vụ Xã hội thông tin”, một lĩnh vực được quản lý “dễ thở” hơn nhiều so với lĩnh vực vận tải tại châu Âu. Nhưng lập luận này đã bị bác bỏ. Luật sư cố vấn của tòa án cho rằng do Uber đặt ra các điều kiện với lái xe, hướng dẫn họ cách đón khách hàng và quyết định cả mức phí đi xe, nên Uber “không thể được xem là một công ty trung gian đơn thuần” giữa lái xe và người dùng ứng dụng.

Theo tuyên bố của luật sư quốc gia, “Dịch vụ kết nối hành khách với lái xe bằng ứng dụng trên smartphone” chính là dịch vụ chủ chốt đằng sau việc vận chuyển đưa hành khách đến nơi họ muốn đến.

Theo trang Financial Times, mặc dù những ý kiến như thế chưa hề có tính pháp lý – và cũng có thể bị tòa án phớt lờ, song vụ việc đã dấy lên một câu hỏi lớn, về việc các nhà quản lý sẽ đối xử như thế nào với các công ty như Uber, Airbnb và Skype, những công ty cung cấp dịch vụ đi lại, chỗ ở và truyền thông dù họ không sở hữu taxi, phòng khách sạn hay đường dây điện thoại.

Trước mắt, vụ việc này có thể khiến Uber sẽ phải đối mặt thêm một khó khăn nữa tại châu Âu. Tại thị trường châu Âu, Uber đã phải đối mặt với nhiều tình huống từ bạo động, án phạt và thậm chí một số lãnh đạo cấp cao còn bị bắt giữ ở một số thành phố; trong khi đó lại được chào đón rộng rãi tại một số nơi khác, như là ở Luân Đôn.

Uber đã đưa ra ý kiến riêng. “Việc bị xem là một công ty vận tải sẽ không thay đổi cách chúng tôi bị quản tại hầu hết các quốc gia châu Âu bởi vì chúng tôi đã gặp phải tình huống như hôm nay rồi”, một đại diện Uber nói. “Tuy nhiên, nó sẽ càng cho thấy sự thay đổi rất cần thiết của những điều luật lỗi thời, ngăn ngừa hàng triệu người châu Âu tiếp cận với một dịch vụ đi xe tin cậy chỉ bằng một nút bấm”.

Trong những năm gần đây, Uber đã cố gắng tuân thủ các quy định địa phương, mà ban đầu hãng đã phớt lờ chúng. Chẳng hạn, sau khi đối mặt với án phạt 10.000 euro mỗi lái xe ở Brussels, công ty hiện đã điều hành dịch vụ hợp pháp, được quản lý trong thành phố. Hãng cho biết đã tuân thủ các điều luật địa phương và hợp tác với các chuyên gia độc lập, vì thế sẽ không có gì thay đổi trong hoạt động của hãng.

Uber cũng đã đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của các hãng taxi địa phương tại hầu hết các thành phố châu Âu. Asociación Profesional Elite Taxi, một tổ chức của các lái xe taxi ở Barcelona, cũng đang tìm cách chống lại công ty Mỹ.

Tuy nhiên, tại Brussels, Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy các quốc gia thành viên cư xử “nhẹ nhàng” với ứng dụng gọi xe này và các dịch vụ tương tự khác. Một ủy viên hội đồng còn so sánh việc cố gắng cấm Uber với việc “chiến đấu với máy in trong thời trung cổ”.

Các nhà lãnh đạo EU cũng có gắng giảm bớt sự khác biệt trong quản lý các dịch vụ số giữa các nước châu Âu. Trong khi đó, Uber đã cảnh báo về những bất lợi cho việc thành lập thị trường số hóa đơn lẻ, gây ra sự phân mảnh các ứng dụng khác nhau ở các quốc gia thành viên khác nhau.

James Waterworth, phó chủ tịch của CCIA, một tổ chức lobby cho ngành công nghiệp công nghệ, đã chỉ trích ý kiến trên. “Là một ứng dụng, bạn nên thiết lập tại một quốc gia, và có thể cung cấp dịch vụ ở Pháp, Hà Lan… mà không phải trải qua những cơ chế quản lý đặc biệt. Những điều này là những điều căn bản khi hình thành một thị trường”, ông nói. “Nếu không, đó sẽ là dấu hiệu rất tiêu cực với thị trường số châu Âu, gây khó khăn rất nhiều cho các ngành kinh doanh xuyên biên giới trên mạng Internet”.