Uber đang là dịch vụ đặt xe đứng số một thế giới hiện nay, và để "đảm bảo" đối thủ Lyft của hãng không thể vươn lên giành giật vị trí này, Uber được cho là đã sử dụng một phần mềm theo dõi mang tên "Hell" (Địa ngục). Một trong các mục đích của việc theo dõi là nhằm giúp Uber tìm cách giúp lái xe của mình có thể đón khách sớm hơn đối thủ. 

Theo trang The Information, phần mềm vụng trộm của Uber đã lợi dụng một lỗ hổng trong hệ thống của Lyft để theo dõi lái xe cũng như hành khách của Lyft từ 2014 đến đầu 2016. Uber đặt tên phần mềm là Hell bởi nó trái ngược với tên ứng dụng hãng dùng để theo dõi lái xe và hành khách của mình (God View) hay (Heaven). Nếu như Uber cho rất nhiều nhân viên tiếp cận, truy cập God View, thì ngược lại, công ty chỉ cho phép các lãnh đạo hàng đầu cùng một số chuyên gia giữ liệu biết về phần mềm theo dõi Hell của mình.

Phần mềm này có vẻ như được khởi tạo khi Uber quyết định tạo ra các tài khoản giả làm lái xe của Lyft và đánh lừa hệ thống của đối thủ rằng các lái xe đang ở rất nhiều vị trí khác nhau xung quanh một thành phố nào đó. Các lái xe "ma" này được xếp ở những vị trí theo dạng mạng lưới để giúp Uber có được cái nhìn toàn thể cả thành phố cũng như theo dõi toàn bộ lái xe của Uber bên trong đó. Kết quả là Uber có thể thấy thông tin của 8 lái xe Lyft ở gần với vị trí của tài xế "ma" mà công ty tạo ra. 

Tuy nhiên, khi theo dõi các xe của đối thủ, Uber nhận thấy rằng các lái xe của Lyft được nhận diện bằng ID đặc biệt được đánh số, và các ID này không bao giờ được thay đổi - trái ngược với hệ thống ID của Uber. Điều này cho phép đội quản lý Hell nắm được thói quen của tài xế từ đó xác định được lái xe nào đang chạy dịch vụ cho cả Lyft lẫn dịch vụ của mình.  

Travis Kalanick (CEO Uber) và một số người khác sau đó sẽ thực hiện một kế hoạch nhằm lôi kéo những tài xế "kép" này về cho riêng mình. Một trong những cách Uber dùng để đạt được mục đích này chính là thưởng cho lái xe nếu họ đạt được một lượng chuyến nhất định nào đó trong tuần. Dữ liệu của phần mềm cho thấy có 60% lái xe cho Lyft cũng chạy Uber, do đó, Uber đã phải bỏ ra tới hàng chục triệu USD/tuần để chi cho chương trình thưởng. Trớ trêu là, các lái xe chỉ trung thành với Uber từ trước đó thì không hề được thưởng một xu nào. 

Chương trình theo dõi của Uber cuối cùng cũng kết thúc vào năm 2016 sau khi Lyft thu hút được 1 tỷ USD đầu tư và bắt đầu mở rộng hoạt động ra các thành phố khác. Nó khiến cho chi phí dùng vào chương trình thưởng giống như tiền bị "vứt qua cửa sổ". Dù vậy, Kalanick vẫn khen ngợi đội ngũ vận hành Hell trong thời gian nó hoạt động vì cho rằng Hell phù hợp với văn hoá "hối hả" của Uber.  

Hãng gọi xe này hiện chưa có bình luận gì về các thông tin trên. Với Lyft, người đại diện công ty cho biết: "Chúng tôi đang ở trong một ngành công nghiệp đầy tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu báo cáo trên là đúng thì thật đáng quan ngại". Một số hãng luật từng hợp tác với Uber trong quá khứ tiết lộ rằng, công ty có thể đối mặt với một số cáo buộc, bao gồm vi phạm hợp đồng, có hành vi kinh doanh gian lận, chiếm dụng bí mật thương mại...