Ngày 19/3, Uber Việt Nam đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng gồm cơ quan công an, Sở GTVT, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư… tại TP.HCM để giải quyết 3 vấn đề đang được quan tâm bao gồm thuế, mức độ tuân thủ quy định vận tải của đối tác và hợp đồng vận tải được ký kết giữa hành khách và lái xe.

Theo phía Uber Việt Nam, công ty này nghiên cứu thị trường để công ty mẹ là Uber B.V. có trụ sở đặt tại Hà Lan triển khai chiến lược kinh doanh. Mọi giao dịch của khách hàng và tương tác của đối tác vận tải thông qua hệ thống Uber đều do Uber B.V quản lý, còn Uber Việt Nam không tham gia vào hoạt động kinh doanh này. Hợp đồng với doanh nghiệp vận tải Việt Nam được thực hiện qua mạng Internet, theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tức là, Uber Việt Nam chỉ tư vấn cho các đối tác về những lợi ích về kinh tế từ việc gia nhập hệ thống Uber và những mô hình quản lý hiệu quả dựa trên tính ưu việt của công nghệ; nghiên cứu thị trường để công ty mẹ Uber B.V., trụ sở đặt tại Amsterdam (Hà Lan) triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp.

Về tỷ lệ ăn chia của dịch vụ taxi Uber, dịch vụ này được tính theo tỷ lệ 80% thuộc về doanh nghiệp vận tải và chia 20% cho Uber Hà Lan.

Tuy nhiên theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, mọi hoạt động liên quan đến taxi tại TP.HCM đều phải do Sở GTVT kiểm soát. Việc kinh doanh phần mềm Uber thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, do đó Uber B.V. Hà Lan phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra theo các cơ quan chức năng, kể từ khi đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Uber chưa kê khai theo qui định của ngành thuế, chưa báo cáo tình hình hoạt động…

Tuy nhiên theo Uber Việt Nam, Uber được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 30/8/2014  với 2 ngành nghề là dịch vụ tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, đến nay hoạt động của công ty này tại Việt Nam chưa phát sinh lợi nhuận. Còn hoạt động của Uber B.V. thì được nộp thuế tại Hà Lan.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện Uber tiếp tục khẳng định cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để đạt được một giải pháp lâu dài mang đến lợi ích cho hành khách, cộng đồng tài xế tại Việt Nam.

Trước đó, cuối tháng 2/2015, trao đổi với ICTnews ngay sau khi Sở GTVT TP.HCM có văn bản gửi tới Bộ GTVT đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử phạt Uber do không có giấy phép kinh doanh lĩnh vực vận tải, đồng thời đã có gần 70 trường hợp đối tác của Uber bị xử phạt và con số vẫn tiếp tục gia tăng, phía Uber Việt Nam cũng đã khẳng định doanh nghiệp này là công ty công nghệ, ứng dụng điện thoại Uber hoạt động như một nền tảng công nghệ giúp kết nối các lái xe đã được cấp giấy phép hành nghề đầy đủ với các hành khách đăng ký sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, do mô hình Uber vẩn còn khá mới và các đối tác chưa có hướng dẫn cụ thể với nên họ đã gặp không ít trở ngại để có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu được ghi trong Nghị định số 86/2014/ND-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, phải trang bị một hộp đen GPS, bình chữa cháy, lý lịch tài xế và bảng hiệu xe hợp đồng…

Uber liên tiếp gặp vướng mắc tại nhiều quốc gia

Tại Đức, Uber vừa bị tòa án Frankfurt cấm hoạt động trên toàn quốc gia; tại Pháp, văn phòng của Uber vừa bị cảnh sát khám xét, thu giữ tài liệu để điều tra; tại Hàn Quốc còn nghiêm trọng hơn khi giám đốc thương hiệu vừa bị bắt, CEO cũng đã có trát gọi hầu tòa. Ngoài ra, Uber hiện còn gặp hàng loạt rắc rối pháp lý tại Hà Lan, Tây Ban Nha, Braxin…