Như ICTnews đã đưa, mới đây Uber Việt Nam đã bị Bộ Giao thông Vận tải trả lại đề án thí điểm dịch vụ gọi xe theo hợp đồng điện tử do chưa thành lập doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với ICTnews ngày 3/12, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam cho biết hoạt động của Uber kết nối vận tải với dịch vụ kết nối xuyên biên giới. Máy chủ đặt tại Hà Lan, kết nối với đối tác vận tải tại Việt Nam. Như vậy vẫn phù hợp với luật pháp hiện tại và Uber đang làm công việc mà luật pháp Việt Nam không cấm.

Trong đề án trình Bộ Giao thông Vận tải vừa qua, Uber muốn được thí điểm rộng hơn dịch vụ kết nối vận tải tại Việt Nam, thay vì chỉ Hà Nội và TP.HCM với khoảng 300.000 thẻ tín dụng đăng ký sử dụng dịch vụ, đồng thời sẽ cùng với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng khung pháp lý cho mô hình mới như mô hình của Uber hiện chưa được pháp luật Việt Nam quy định.

Uber đang cung cấp dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng công nghệ nhưng hiện nay tại Việt Nam chưa có khung pháp lý quy định cho loại hình hoạt động này.

“Lý do Bộ GTVT chưa duyệt đề án là công ty trình đề án là công ty mẹ đặt tại Hà Lan, là công ty quản lý và sở hữu công nghệ của Uber. Còn công ty tại Việt Nam chúng tôi chỉ có vai trò tư vấn, nghiên cứu thị trường cho công ty mẹ. Bộ Giao thông Vận tải chưa có thẩm quyền để duyệt và Chính phủ Việt Nam không thông qua một đề án của một công ty đang nằm tại nước ngoài nhưng hoạt động tại Việt Nam”, ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Đặng Việt Dũng, dù Bộ Giao thông Vận tải không đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu công ty này phải chỉnh sửa, hoàn thành đề án trong bao lâu để thẩm định nhưng hiện Uber Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện đề án theo hướng đổi thành dịch vụ hỗ trợ vận tải thay vì công nghệ kết nối như hiện nay.

Còn về vấn đề thành lập doanh nghiệp, Uber Việt Nam cũng đang cân nhắc làm việc với đối tác tư vấn, luật sư để lựa chọn một mô hình công ty phù hợp, đó có thể là công ty 100% vốn nước ngoài, công ty 100% vốn Việt Nam hoặc công ty liên doanh.

Thời gian có thể mất chỉ vài tuần nếu thành lập công ty 100% vốn Việt Nam nhưng Uber sẽ gặp khó khăn trong quản lý vốn, còn việc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài có lợi nhất cho Uber nhưng thời gian có thể mất tới nửa năm, gây kéo dài thời gian trình đề án.

“Chúng tôi muốn được hợp tác với Chính phủ để đưa ra khung quản lý phù hợp cho loại hình kinh doanh mới mẻ này”, ông Đặng Việt Dũng bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh tại thời điểm hiện nay, dù đề án chưa được thông qua nhưng Uber Việt Nam vẫn hoạt động bình thường bởi doanh nghiệp này hoạt động không vi phạm pháp luật.