UKVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang tham gia. Đặc biệt, với những cam kết sâu về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, UKVFTA được mong đợi sẽ là một đòn bẩy mạnh mẽ cho việc thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Vương quốc Anh đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại sau khi hoàn tất Brexit cùng với việc Việt Nam đã và đang tham gia 15 FTA, trong đó có các FTA lớn như Hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA và đặc biệt là cả hai nước đang cùng thúc đẩy UKVFTA sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.

Thời gian qua, bên cạnh thương mại, UKVFTA đã tạo ra những chuyển biến trong bức tranh đầu tư của Anh vào Việt Nam. Một khoản đầu tư lớn được cam kết của Vương quốc Anh kể từ khi hiệp định UKVFTA có hiệu lực là dự án trang trại gió ngoài khơi của Enterprize Energy (EE).

W-anhminhhoa.png

EE là tập đoàn đa ngành của Anh hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và phát triển năng lượng, gồm dầu khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và nhiệt điện.

Tại Việt Nam, EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần gồm Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD và Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất, xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.

Dự án của Enterprize Energy, được phát triển trong giai đoạn 2022 - 2027, với quy mô công suất 3.400 MW (sản lượng trung bình khoảng 17 TWh/năm). Dự án bao gồm các tua bin gió (với công suất đơn vị ban đầu là 9,5MW, sẽ tăng dần theo sự phát triển của công nghệ tua bin gió).

Các tổ chức tài chính của Anh đặc biệt quan tâm hỗ trợ Việt Nam bằng tài chính xanh (ví dụ như trái phiếu xanh), và loại tài chính này sẽ rất quan trọng để Việt Nam có thể đáp ứng cam kết về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Kể từ khi hiệp định UKVFTA có hiệu lực, đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện UKVFTA, Vương quốc Anh có 434 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD.

Tính hết tháng 9 năm 2023, con số dự án và vốn đầu tư đã tăng lên đáng kể. Vương quốc Anh có 542 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam (tăng 24,8% số với số liệu tính đến hết năm 2021); với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4,29 tỷ USD (tăng 7,7% số với số liệu tính đến hết năm 2021), đứng thứ 15/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Các dự án mà Vương quốc Anh đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu. Thứ nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 38,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thứ ba là lĩnh vực khai khoang, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đã có 35 tỉnh, thành phố của Việt Nam nhận được vốn đầu tư từ Vương quốc Anh, bao gồm cả khu vực dầu khí. TP. Hồ Chí Minh là nơi nhận được sự đầu tư lớn nhất, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Minh Thu và nhóm PV, BTV