Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực - Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Luật Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong quá trình đàm phán Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 vào thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, biến đổi khí hậu chưa được đặt ra.
Điều này đặt ra các thách thức trong thế kỷ XXI, khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 “không đủ cơ sở” để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đã trở thành hiện thực. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, việc thúc đẩy sáng kiến sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng cộng đồng quốc tế tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm thông qua việc sử dụng và quản lý biển, đại dương một cách bền vững.
PGS-TS Ngô Hữu Phước nhấn mạnh, UNCLOS đã xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế thống nhất, toàn diện về biển và đại dương. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử pháp lý quốc tế, UNCLOS đã phân định biển và đại dương thành ba khu vực với ba chế độ pháp lý khác nhau gồm: không gian biển là lãnh thổ quốc gia (nội thủy, vùng nước quần đảo và lãnh hải); không gian biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); không gian biển chung của nhân loại (biển quốc tế) và đáy đại dương (la zone).
Bên cạnh việc phân định biển, UNCLOS đã quy định tổng thể và toàn diện các vấn đề pháp lý khác như về eo biển, đảo, quốc gia quần đảo; các thực thể địa lý trên biển; hoạt động hàng hải, hàng không; khai thác, sử dụng, quản lý, bảo tồn tài nguyên biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; giải quyết tranh chấp.
UNCLOS đcũng ã xây dựng các thiết chế để thực thi và hợp tác quốc tế về biển như Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Tòa án quốc tế về luật biển, Tòa Trọng tài và Tòa Trọng tài đặc biệt.
Nhấn mạnh, "UNCLOS không phải là văn bản chết, có giá trị pháp lý vĩnh cửu và bất biến mà luôn được cập nhật, bổ sung để ngày càng hoàn thiện", PGS-TS Ngô Hữu Phước minh chứng, trên cơ sở UNCLOS, các quốc gia, vùng lãnh thổ đã hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là pháp luật về biển.
Tại Việt Nam, sau khi phê chuẩn UNCLOS, năm 1994, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến biển để xác lập, thực thi các quyền trên biển như Luật Biên giới quốc gia, Bộ luật Hàng hải, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản…
Việt Nam cũng đã ký kết các điều ước quốc tế về phân định biển với các quốc gia trong khu vực như với Thái Lan, Trung Quốc,...
Đi sâu vào thách thức phải hoàn thiện UNCLOS, PGS-TS Ngô Hữu Phước cho rằng cùng với thay đổi nhanh chóng, không ngừng của khoa học công nghệ, nhu cầu quản trị, khai thác tài nguyên biển và đại dương, địa chính trị và quan hệ quốc tế đã đặt ra ba thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong việc hoàn thiện UNCLOS.
Đó là thách thức do biến đổi khí hậu, thách thức về an ninh hàng hải và thách thức về bảo vệ quyền con người trên biển...