Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển là một văn kiện pháp lý đồ sộ với 320 Điều, được chia làm 17 phần, và 9 phụ lục, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), được mệnh danh là bản “Hiến pháp Đại dương”, đề ra khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, vốn chiếm hơn 70% bề mặt trái đất. Công ước cũng chính là nền tảng để các nước cùng hợp tác quản trị đại dương một cách có trật tự và bền vững.
Có thể kể một số điểm nổi bật và ý nghĩa quan trọng của Công ước như sau:
Thứ nhất, UNCLOS lần đầu tiên giải quyết tổng thể và triệt để vấn đề phạm vi và quy chế các vùng biển, tạo cơ sở để các quốc gia thực thi các quyền và tiến hành các hoạt động trên biển. Chế định về các vùng biển quy định trong Công ước đã xử lý hài hòa lợi ích của các nhóm quốc gia khác nhau, gồm các quốc gia ven biển, các quốc gia không có biển hay gặp bất lợi về hoàn cảnh địa lý. Một trong những giải pháp dung hòa quyền lợi của các quốc gia chính là việc Công ước lần đầu tiên chính thức ghi nhận chế định “đặc thù” về vùng đặc quyền kinh tế, tại đó quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, trong khi vẫn bảo đảm một số quyền tự do cho các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, một chế định rất sáng tạo, có thể nói là sáng tạo nhất, trong Công ước đó là việc coi “Vùng”, gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài quyền tài phán quốc gia, và các tài nguyên tại đây là “di sản chung của nhân loại”. Theo đó, Công ước thành lập một tổ chức quốc tế để quản lý các hoạt động tại Vùng nhằm bảo đảm việc chia sẻ công bằng lợi ích kinh tế từ việc khai thác tài nguyên tại đây cho tất cả các quốc gia.
Công ước có nhiều điều khoản quy định về bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học biển - đây là những nội dung hoàn toàn mới so với các điều ước quốc tế về biển trước đó của Liên hợp quốc (4 Công ước Geneva về Luật Biển năm 1958). Theo đó, UNCLOS đề ra khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh việc quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau. Vấn đề nghiên cứu khoa học biển cũng được điều chỉnh một cách hài hòa, cân bằng chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển với nhu cầu hợp tác, yêu cầu gia tăng hiểu biết để có thể quản trị tốt biển và đại dương.
Cuối cùng, Công ước đặt ra một hệ thống giải quyết tranh chấp tương đối toàn diện, một mặt khẳng định lại nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, mặt khác quy định cụ thể về các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp như hòa giải, trọng tài hay toà án. Với hệ thống này, các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước luôn có thể được giải quyết một cách kịp thời, qua đó duy trì hòa bình, ổn định và ngăn ngừa xung đột. Đồng thời, phán quyết của các cơ quan tài phán được thành lập theo quy định của UNCLOS cũng góp phần làm sáng tỏ các quy định của Công ước, bảo đảm tính toàn vẹn cũng như việc thực thi hiệu quả Công ước.
Có thể nói, UNCLOS là một trong những thành tựu lớn nhất về luật pháp quốc tế của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ XX. Công ước không chỉ pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế, mà còn phát triển tiến bộ Luật Biển quốc tế nhằm đáp ứng những xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương. Cho đến nay, Công ước vẫn còn nguyên vẹn giá trị và tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương.