-"Hiện tại, website chính của UNESCO cũng đã đưa Yên Tử vào danh mục các di sản dự kiến sẽ được nộp hồ sơ trong giai đoạn tới”, ông Hồ Chí Đức, Trưởng Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Theo ông Hồ Chí Đức, từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã lên ý tưởng lập hồ sơ đưa danh thắng Yên Tử "ứng thí" trước UNESCO, bộ hồ sơ này sẽ được UBND tỉnh Quảng ninh và Tỉnh Bắc giang khẩn trương xây dựng để có thể hoàn thiện vào tháng 9/2015, sau đó tiếp tục chỉnh sửa và nộp lên UNESCO trong năm 2016 (kết quả cuối cùng sẽ được xem xét xếp công nhận di sản thế giới vào 2017). "Hiện tại, website chính của UNESCO cũng đã đưa Yên Tử vào danh mục các di sản dự kiến sẽ được nộp hồ sơ trong giai đoạn tới”, ông Đức nói.
Vườn tháp ở Yên Tử |
Theo đó, lý do mà UNESCO 'để mắt tới' Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử vì nó đã đạt các tiêu chí cho đề cử Di sản Văn hóa thế giới như:
Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, thuyết phong thủy.
Hệ thống di tích trong khu Danh thắng Yên Tử, bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ quý hiếm, đặc biệt là những bản kinh văn và các bản sách quý hiếm, chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt giữa một vùng đồi núi trập trùng.
Đặc biệt cuốn mộc bản “Thiền tông bản hạnh” hiện còn được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (theo Vietnamese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Điểm khác biệt nữa của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là dùng cả chữ Hán và chữ Nôm, trong khi mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chỉ dùng chữ Hán…
Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người, thể hiện qua việc những tín đồ đạo Phật từ hàng nghìn năm trước tới ngày nay, đã sử dụng vùng cảnh quan thiên nhiên Danh sơn Yên Tử linh thiêng, huyền bí để xây dựng và hình thành nên một “Trung tâm phật giáo” với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.
Phía Tây Yên Tử với diện tích rộng lớn, gồm nhiều thảm thực vật và đặc biệt là hàng loạt công trình kiến trúc, chùa chiền mang dấu ấn Phật giáo thời Lý – Trần, khu vực này cũng in đậm nhiều truyền thuyết liên quan tới Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, và sự giao thoa giữa văn hóa cung đình với đồng bào dân tộc thiểu số; giữa các quan lại, công chúa, cung tần, mỹ nữ triều đình với đồng bào dân tộc thiểu số của nước Đại Việt thời đó.
Ngọc Anh