Việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam cung cấp hàng hóa ra nhiều thị trường thế giới. Đối với các thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)… đều đưa ra các quy định bắt buộc về việc thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp của nước xuất khẩu tiêu biểu như: Quy định 178/2002/E của Liên minh châu Âu (EU), Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ, Quy định của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu qua Lệnh 248, 249 áp dụng từ đầu năm 2022…

Thực tế cho thấy, việc xây dựng hệ thống quy định của các nước có xu hướng tăng với nội dung ngày càng chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn bán hàng qua các nước đó.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR là một giải pháp hữu hiệu trong truy xuất nguồn gốc, qua đó nâng giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản.

Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng sử dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường.

Nhờ tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt được sản phẩm được sản xuất theo quy trình như thế nào, có đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Hơn nữa, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc thể hiện sự chuyên nghiệp và cam kết về chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất, từ đó góp phần nâng cao uy tín thương hiệu….

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp và hội nhập với xu thế toàn cầu hóa, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ hoạt động truy xuất nguồn gốc như: hệ thống mã số mã vạch theo tiêu chuẩn GS1, Mã QR (QR code), xác thực nguồn gốc…

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các sở, ngành, địa phương, trung ương trong việc phổ biến các khóa học cơ bản về công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, nông dân. Qua đó, có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất như: sổ ghi chép điện tử, khai thác các ứng dụng sản xuất an toàn trên internet… phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm …