Tây Ninh - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

{keywords}
 Thu hoạch lúa tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh

Nông nghiệp Tây Ninh hiện chiếm khoảng 28% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với diện tích sản xuất nông nghiệp 269.250 ha, chiếm 66,7% so với diện tích tự nhiện; số hộ sản xuất nông nghiệp gần 120.000 hộ, chiếm 50% số hộ trên địa bàn tỉnh.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, một số vùng chuyên canh cây trồng như: cao su, mía, mì, mãng cầu, lúa, rau màu... đã hình thành và phát triển ổn định. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2015 đạt 86,78 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi phát triển mạnh, công tác quản lý vật nuôi trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh theo quy định.

Từ năm 2016, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Xác định cây ăn trái là luồng gió mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tây Ninh đã phân vùng cây trồng chuyên canh với diện tích khoảng 300.000 ha (hơn 69% đất tự nhiên của tỉnh) ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu với các loại cây trồng chủ lực. Còn tại các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu; thị xã Trảng Bàng, Hòa Thành; và thành phố Tây Ninh sẽ tập trung cho sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ cao để cơ cấu lại nông nghiệp

{keywords}
 Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu – một mô hình thử nghiệm hồi tháng 5/2019 tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh khiến bà con hào hứng

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh ngày càng sâu rộng hơn, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật được nâng lên đáng kể (trên 80%); năng suất tăng từ 5 - 10%, chất lượng nông sản ngày càng nâng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp; giá trị sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng 11%, phát triển sản phẩm đạt chất lượng tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện Sở này đã hoàn tất đề án về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nhiều gói hỗ trợ đầu tư cho người dân và DN sản xuất nông nghiệp. Tây Ninh kỳ vọng, mỗi ha đất nông nghiệp sẽ thu lợi 130 triệu đồng/năm, cùng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh này cần có sự đột phá về phát triển nông nghiệp, xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, trọng tâm là quy hoạch các vùng ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với nông nghiệp; xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp sạch theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, gắn sản xuất, bảo quản, với chế biến và xuất khẩu để tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị.

Nông nghiệp số: chìa khoá thành công

{keywords}
Cánh đồng mía sạch ở huyện Châu Thành, Tây Ninh

Nông nghiệp là lĩnh vực chiếm 14% GDP Việt Nam, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Nhưng thách thức đặt ra là làm sao để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho chính người nông dân trên cánh đồng của mình.

Ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm phát triển Nông nghiệp số không nằm ngoài quy luật phát triển của thế giới.

Vậy nông nghiệp số là gì? Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, thay vì đưa ra các khái niệm mang tính hàn lâm, hãy nhìn nông nghiệp số theo một vài góc nhìn cụ thể:

Trong nông nghiệp số, bên cạnh tư liệu sản xuất truyền thống, người nông dân sử dụng thêm tư liệu số, đó là dữ liệu số và công nghệ số. Vì vậy, người nông dân sẽ phải có thêm một số tri thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ, sinh học chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất. Thay vì truyền thống người nông dân quen với việc “trông trời, trông đất, trông mây”, thì nay, người nông dân sẽ chỉ cần “trông dữ liệu” trên máy tính hoặc điện thoại là đủ.

Trong nông nghiệp số, bên cạnh bán nông sản, người nông dân có thể bán thêm cả sự trải nghiệm. Trải nghiệm để thay đổi cách nhìn nhận. Thay vì chỉ là sản xuất nông nghiệp, hãy nhìn nhận đó là kinh tế nông nghiệp; không chỉ là kinh tế nông nghiệp, mà còn là kinh tế số nông nghiệp.

Trong nông nghiệp số, người nông dân thời đại số có thể vượt qua được điểm yếu cố hữu của người nông dân ngàn đời nay, đó là “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”, để thấy được: dữ liệu số càng chia sẻ thì lại càng giá trị. Từ đó, người nông dân sẽ nhanh chóng thấy được lợi ích của việc hình thành một hệ sinh thái thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; hình thành chuỗi giá trị thay vì chỉ đơn thuần là chuỗi liên kết.

Chuyển đổi số, công nghệ số làm được những điều này. Đó chính là nông nghiệp số.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức: cơ sở hạ tầng, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ chưa tương xứng, nguồn nhân lực hiểu biết để vận hành các thiết bị công nghệ cao còn hạn chế…

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập này, trước tiên cần xác định việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, bao gồm việc xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn về: đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, môi trường, thời tiết,… qua đó, người nông dân có thể dễ dàng tra cứu. Ngoài ra, không thể thiếu việc ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm.

Song hành tất yếu cùng công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, tổ chức thực hiện, giám sát, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thông qua các chính sách, chương trình, chiến dịch hỗ trợ kịp thời sao cho phù hợp với đặc thù, thực tiễn sản xuất của từng tỉnh/vùng kinh tế; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, tiến tới phát triển đồng bộ và toàn diện nền nông nghiệp.

P.V