Huyện Lâm Hà nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng, trong vùng cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang. Bên cạnh vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, UBND huyện Lâm Hà khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư và duy trì nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo ghi nhận từ thực tế, các mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao ngày càng xuất hiện nhiều và đã mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân ở huyện Lâm Hà, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng cây cà phê. 

W-anhotngot.png
Trồng ớt ngọt ở Lâm Hà

Việc trồng ớt sừng trâu của người nông dân tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà là một ví dụ. Loại ớt này có giá thành cao, giúp đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Trước đây, người dân thường trồng cây cà phê trên những khu vực sườn đồi. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy đầu tư nhiều vào cây cà phê sẽ thu hồi vốn chậm, người dân Lâm Hà đã quyết định thay đổi hướng trồng sang loại cây khác. Loại cây trồng được chọn là loại cây ớt sừng trâu. Trên mỗi hecta diện tích nhà kính, có thể trồng được 30.000 cây ớt sừng trâu. Khi cây đã ra lá đạt chuẩn, người dân tiến hành làm đất kỹ, bón phân hữu cơ, sau đó thực hiện việc lên luống và xuống giống. Để giảm tình trạng cỏ mọc và hạn chế sự bốc hơi nước, người dân đã phủ màng che kín giữa các luống và quanh gốc cây. Cây ớt sừng trâu phát triển khá nhanh, sau 100 ngày kể từ khi gieo hạt, ớt bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch. 

Chăm sóc cây ớt sừng trâu không phải khó, nhưng yêu cầu sự chính xác và kỹ lưỡng. Cây ớt cần nhiều nước, do đó hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt trong đất đã được người dân áp dụng vào để trồng ớt sừng trâu.

Cây ớt sừng trâu có thời gian thu hoạch kéo dài trong vòng 5 tháng. Sau giai đoạn này, cây sẽ giảm năng suất, cần phải thay thế bằng việc hủy cây cũ và trồng lứa cây mới. Với kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, cung cấp nước tưới và phân bón đầy đủ, cây ớt sừng trâu trong nhà kính có thể đạt năng suất tới 3 kg/cây, tương đương 80 - 90 tấn/ha/vụ.

Cũng ở Lâm Hà, cũng là ớt, nhưng là mô hình trồng ớt chuông đỏ tại xã Tân Hà. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây cà phê, dâu tằm sang mô hình trồng ớt chuông ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đi này đã giúp nhiều hộ dân thu nhập ổn định để phát triển kinh tế. Đến nay, các nhà nông đã từng bước mở rộng thêm diện tích sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế gắn với việc ứng dụng công nghệ cao vào thực tiễn.

Mặc dù chi phí đầu tư nhà kính ban đầu cao gấp đôi so với trồng ngoài trời, nhưng việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Từ khi xuống giống trồng ớt chuông đến khi thu hoạch có thời gian khoảng 3 tháng. Việc chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng một cách khoa học theo quy trình VietGAP đã giúp nhà nông thu hoạch ớt liên tục trong 6 tháng. 

Trung bình, với 4 khu nhà kính trên 1,3ha, mỗi tháng thu hoạch được 40-50 tấn ớt chuông. Việc trồng ớt chuông không tốn nhiều công chăm sóc, lợi nhuận cũng khá ổn định do người tiêu dùng hiện nay thiêu thụ cao.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Hà, toàn huyện hiện có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn là 16,258 ha/16,250 ha kế hoạch, chiếm 31,7% diện tích canh tác. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 5,952 ha, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, thực hành nông nghiệp tốt là10,653 ha (4C, UTZ, VietGap, Hữu cơ,…).

Được biết, trong thời gian tới, huyện cũng đề ra một số công nghệ định hướng người dân ứng dụng vào sản xuất. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt sẽ ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính; công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; công nghệ đèn Led; ứng dụng công nghệ cảm biến thông minh kết nối và điều khiển tự động (IoT); công nghệ giống, cơ giới hóa, tự động hóa, bón phân tự động, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh hại; kỹ thuật sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm.

Huy Phúc và nhóm PV, BTV