Hằng năm, lĩnh vực chăn nuôi đóng góp 25 – 26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Hơn 1 thập kỷ qua, lĩnh vực này duy trì mức tăng trưởng từ 4,5 đến 6%. Do vậy, đã từ lâu, chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực, cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Trong đó, khí methane (CH4) chiếm phần lớn do quá trình tiêu hóa của gia súc nhai lại.
Hiện chưa có quy định về việc bắt buộc phải kiểm kê Khí nhà kính trong chăn nuôi, tuy nhiên với cam kết giảm phát thải từ chính phủ Việt Nam và mục tiêu Net-zero quốc gia tới 2050, việc kiểm kê khí nhà kính bắt buộc với các trang trại chăn nuôi là điều sớm muộn sẽ xảy ra.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng nhưng cũng là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể. Việc kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi giúp các doanh nghiệp và nông hộ xác định rõ lượng phát thải, từ đó triển khai các giải pháp giảm thiểu hiệu quả. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để phát triển bền vững và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Để kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi một cách khoa học và hiệu quả, cần thực hiện theo quy trình cụ thể, bao gồm các bước từ xác định nguồn phát thải đến báo cáo và đề xuất giải pháp. Việc thực hiện quy trình này giúp doanh nghiệp không chỉ đo lường chính xác lượng khí nhà kính mà còn tìm ra những điểm yếu cần cải thiện. Quy trình kiểm kê bao gồm:
Xác định nguồn phát thải: Các nguồn phát thải chính như quá trình tiêu hóa kỵ khí (CH4), quá trình phân hủy chất thải (CH4 và N2O), và phát thải CO2 từ quá trình sản xuất thức ăn và vận chuyển.
Thu thập dữ liệu: Điều tra các thông tin như số lượng gia súc, loại thức ăn, hệ thống xử lý phân chuồng và lượng năng lượng tiêu thụ.
Tính toán lượng phát thải: Sử dụng các công cụ như GLEAM (Global Livestock Environmental Assessment Model) của FAO hoặc IPCC Guidelines để tính toán tổng lượng phát thải.
Báo cáo kết quả: Tổng hợp và phân tích kết quả kiểm kê, xác định khu vực có rủi ro cao nhất và đề xuất các biện pháp giảm thiểu.
Dự thảo, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Để đạt được mục tiêu này, cũng như ngành lúa gạo, có thể xem xét để tận dụng sức mạnh của các công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong truy xuất nguồn gốc trong kiểm kê khí nhà kính cho ngành chăn nuôi.