Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.

Sau đây, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nguồn mở Việt Nam - VINADES.

Chuyển đổi số đang là chủ đề được Chính phủ, các cơ quan ban ngành cùng đông đảo doanh nghiệp và người dân quan tâm. Thời gian qua, nhiều hoạt động đã được thúc đẩy. Tuy vậy, từ quan sát của bản thân, tôi thấy rằng các diễn đàn và cuộc thảo luận chủ yếu đi vào xu hướng công nghệ mới, nóng như Blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo)… hoặc đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động bình thường mà quên đi các yếu tố mang tính cốt lõi và đi vào bản chất. 

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nguồn mở Việt Nam Nguyễn Thế Hùng. (Ảnh NVCC)

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin đề cập đến 2 thứ mà chúng ta đang còn yếu và thiếu, đó là khả năng làm chủ công nghệ lõi và năng lực khai thác dữ liệu.

Ứng dụng công nghệ mở để tăng khả năng làm chủ công nghệ lõi

Nói đến khả năng làm chủ các công nghệ lõi, chúng ta đo lường bằng số phát minh, sáng chế. Chúng ta hiện có rất ít phát minh, sáng chế. Với cách mua công nghệ và hoàn toàn phụ thuộc vào bên bán, chúng ta sẽ phải tốn rất nhiều chi phí. Một cách khả dĩ hơn là khai thác công nghệ mở - những công nghệ được cung cấp cùng các tài liệu gốc, có giấy phép sử dụng miễn phí. Ví dụ như phần mềm nguồn mở được cung cấp cùng mã nguồn cùng giấy phép sử dụng miễn phí, tự do, cho phép sử dụng để phát triển các ứng dụng khác mà không bị ngăn cấm vì lý do bản quyền.

Chính phủ đã nhận ra điều này từ lâu và có những động thái từ rất sớm cho việc thúc đẩy ứng dụng phần mềm nguồn mở cho cơ quan nhà nước. Từ đầu những năm 2000 và cho đến nay, chúng ta đã tổ chức rất nhiều hội thảo, ra nhiều văn bản chính sách khuyến khích, thúc đẩy phần mềm nguồn mở. 

Đáng tiếc là, chúng ta vẫn chưa thành công trong việc làm chủ công nghệ thông qua việc ứng dụng phần mềm nguồn mở. Các chính sách vẫn chủ yếu nằm trên giấy tờ, văn bản; chưa tạo ra được một thị trường đúng nghĩa để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia.

Blockchain hay AI là 2 trong số ít các loại công nghệ mở/ phần mềm nguồn mở mà Việt Nam chúng ta sớm ứng dụng vào các dự án công nghệ. Đó là hai loại phần mềm mang tính xu hướng, nhưng còn rất nhiều phần mềm nguồn mở khác chúng ta đã bỏ qua. 

Thậm chí, ngay cả những phần mềm nguồn mở mang tính xu hướng cao như Blockchain và AI nhưng người Việt chưa đóng góp nhiều vào các công nghệ này, việc này cũng phản ánh một cách khách quan là chúng ta chưa đủ năng lực đóng góp phát triển công nghệ. 

Vì vậy, tôi cho rằng, thay vì chỉ đơn thuần cổ vũ chạy theo các xu hướng, nhà nước cần tạo ra môi trường thúc đẩy việc làm quen, ứng dụng và từng bước phát triển các công nghệ mở như phần mềm nguồn mở. Có như vậy, Việt Nam mới nhanh chóng làm chủ các công nghệ lõi, làm căn cứ để thúc đẩy chuyển đổi số lên tầm cao mới.

Dữ liệu: Nguồn tài nguyên vẫn chưa được khai thác hiệu quả

Các công nghệ như AI đều cần rất nhiều dữ liệu để được “huấn luyện”. Nếu không có dữ liệu, phần mềm AI giống như một đứa trẻ sơ sinh, và nếu không được dạy dỗ và huấn luyện, nó vĩnh viễn sẽ không làm được gì cả.

Dữ liệu được coi là nhiên liệu cho chuyển đổi số, là mỏ dầu của nền kinh tế. Thế nhưng, đáng tiếc là quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp lại đang rất thiếu “nhiên liệu” này. 

Ngân hàng Thế giới (WorldBank) đã sớm có khuyến nghị rất rõ ràng với về việc cần hỗ trợ doanh nghiệp tự do khai thác nhiều nguồn dữ liệu mà Chính phủ đang quản lý thông qua hình thức mở dữ liệu và cấp phép các dữ liệu đó thành dữ liệu mở. 

Tuy nhiên, quá trình này còn đang bị chậm trễ. Theo số liệu của Bộ TT&TT, tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở mới chỉ đạt 3%, còn xa so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 100% vào năm 2025.

Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ nêu trên, theo tôi, một phần là do các cơ quan quản lý thiếu động cơ thúc đẩy việc mở dữ liệu. Bên cạnh đó, việc hiểu sai cách thức mở dữ liệu và đối tượng dữ liệu cần mở để khai thác khiến việc mở dữ liệu cũng trở thành hình thức, không tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

Theo chuyên gia Nguyễn Thế Hùng, Chính phủ cần thúc ép các cơ quan đang nắm giữ dữ liệu phải mở dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác. (Ảnh minh họa: congthuong.vn)

Không giống như các tài nguyên tự nhiên, bị khai thác là sẽ mất. Dữ liệu được khai thác không những không mất mà càng tạo ra nhiều giá trị. Vậy nên nó được coi là nguồn tài nguyên vô tận nếu biết cách khai thác. Chính phủ cần tận dụng nguồn tài nguyên này bằng cách mau chóng thúc ép các cơ quan đang nắm giữ dữ liệu phải mở dữ liệu này ra cho người dân và doanh nghiệp khai thác.

Chuyển đổi số là một quá trình liên tục, trong quá trình đó chúng ta sẽ cần rất nhiều nguồn lực. Tận dụng được hai nguồn lực có sẵn là công nghệ mở - có sẵn trên thế giới, và dữ liệu mở - có thể làm cho nó có sẵn tại Việt Nam, chính là cách thức mà chúng ta có thể nắm bắt cơ hội để tạo ra cuộc cách mạng trong chuyển đổi số ở Việt Nam.

Nguyễn Thế Hùng

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nguồn mở Việt Nam - VINADES

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.