Triển vọng về phát triển nông nghiệp sinh thái Khánh Hoà

Ngày 28/7, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo "Phát triển nông nghiệp sinh thái chuyển đổi số trong nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị", trong khuôn khổ Phiên chợ nông sản tỉnh Khánh Hòa 2023.

Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những phân tích, đánh giá kết quả đạt được, thực trạng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong nông nghiệp; định hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, chuyển đổi số trong nông nghiệp...

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa Hà Hồng Hạnh đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung chia sẻ và trao đổi về triển vọng phát triển nông nghiệp sinh thái, định hướng, chiến lược chuyển đổi nông nghiệp sinh thái; giải pháp thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, xây dựng mã vùng trồng, nhật ký điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Qua đó, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại, doanh nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nâng cao nhận thức về tiềm năng, giá trị của nông nghiệp sinh thái và con đường chuyển đổi nông nghiệp sinh thái; ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận thông tin về sản xuất nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản...

Ứng dụng thiết bị IOT trong nông nghiệp đạt được hiệu quả cao. Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa, hoạt động sản xuất của các chuỗi giá trị được kiểm soát từ khâu sản xuất ban đầu cho đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Mặc dù đã có, song sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhưng chưa thật sự bền vững. 

Một số hợp tác xã năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Sự liên kết, hợp tác giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều. Phần lớn các hợp tác xã quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đội ngũ cán bộ quản lý chưa được đào tạo bài bản; cơ sở vật chất còn khó khăn như chính sách về đất đai để đầu tư về nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản. 

Bên cạnh đó, sản phẩm qua sơ chế, chế biến vẫn chưa đa dạng nên giá trị chưa cao, thời gian bảo quản không dài dẫn đến khó vận chuyển đi xa cũng như hướng vào thị trường xuất khẩu còn yếu.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Ông Đặng Duy Hiển, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Theo đó, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. 

Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. 

Đặc biệt, cần xem xét thử nghiệm sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong công tác quản lý để đề xuất và thực thi các chính sách, chỉ đạo điều hành hệ thống, hệ sinh thái nông nghiệp hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và trong điều kiện ứng phó nhanh với tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, như dự báo, cảnh báo thị trường, thông tin kết nối cung - cầu phát triển thị trường nông sản.

Để chuyển đổi số nông nghiệp thành công cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất.

Hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường hiện chủ yếu do người nông dân sản xuất ra. Người nông dân ngày càng sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cho hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đưa nền nông nghiệp Việt Nam dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. 

Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa. Người nông dân ngoài chủ động học hỏi nâng cao vai trò của người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn.

Bên cạnh yếu tố về nhân lực, vốn là một trong những vấn đề then chốt giúp chuyển đổi số ngành nông nghiệp thành công. Hiện nay, đã có nhiều chính sách hấp dẫn nhưng khi đưa vào thực thi vẫn còn tồn tại ràng buộc về hành chính như 10% nguồn thu của doanh nghiệp được đầu tư cho đổi mới sáng tạo nhưng đổi mới sáng tạo là gì vẫn chưa định hình rõ làm cho các doanh nghiệp lúng túng khi sắp xếp nguồn vốn. 

Vì vậy, nên để cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, sau đó đưa ra chính sách hỗ trợ như chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp… giúp doanh nghiệp chủ động và có đủ nguồn lực tài chính đầu tư vào công nghệ.

Tỉnh Khánh Hòa có 178 hợp tác xã, một Liên hiệp hợp tác xã, 4 Quỹ tín dụng nhân dân với hơn 39.400 thành viên, số vốn trên 1.406 tỷ đồng, hoạt động trên 7 lĩnh vực (nông nghiệp, tín dụng, giao thông vận tải, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ du lịch). 

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thu hút 13,2 nghìn lao động thường xuyên. Doanh thu bình quân khoảng 1,8 tỷ đồng/hợp tác xã, lãi suất bình quân đạt 245 triệu đồng/hợp tác xã. 

Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 45 triệu đồng/năm. Tỉnh đã hình thành được 9 chuỗi liên kết, sản xuất cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn có sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã.

T.H