Năm 2022, tại Quảng Ninh mặc dù số bão ít, chỉ 3 cơn nhưng lượng mưa trung bình cao hơn các năm, mùa mưa đến sớm hơn, mưa ngập ở nhiều địa phương như Hòn Gai, Cẩm Phả, gây thiệt hại về các công trình giao thông khoảng 10 tỷ đồng.

Quảng Ninh đã nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của địa phương như kiện toàn các Ban chỉ huy từ cấp tỉnh tới cấp xã, các tổ xung kích phòng chống thiên tai trong cộng đồng

Đông Triều, Quảng Ninh có địa hình trung du phức tạp, hệ thống đê điều dài, bị chia cắt bởi sông suối, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, ngập úng.

Ông Nguyễn Quang Đán, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết, ngay từ đầu năm 2023 địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống bão lũ với phương án 4 tại chỗ, xây dựng lực lượng xung kích, cứu nạn, cứu hộ, tuần tra quản lý các công trình phòng chống bão lũ.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai thông qua các đợt tập huấn của thị xã theo đề án của tỉnh đưa ra.

quang ninh 1.png
Quảng Ninh tập trung kiểm tra các điểm xung yếu tại TP.Cẩm Phả. Ảnh: Hà Minh. 

Thành phố Cẩm Phả cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Năm 2022, thành phố đã có nhiều đợt mưa lớn. Điển hình như đợt mưa vào cuối tháng 8/2022, trên địa bàn thành phố nhiều điểm ngập sâu, đất đá từ trên núi tràn cả xuống quốc lộ 18B.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, TP. Cẩm Phả đã kiện toàn đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai. Tổ chức rà soát các điểm dễ ngập lụt, khai thông hệ thống sông suối. Tập trung xây dựng các công trình phòng chống mưa bão, hồ môi trường, lắng đọng đất đá, nạo vét hệ thống thoát nước, sửa chữa gia cố các bờ kè chân bãi thải, các tuyến đường mỏ.

Hiện nay, Quảng Ninh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ trong cảnh báo thiên tai. Cảnh báo thiên tai sớm là biện pháp giảm thiểu tác hại từ thiên nhiên; địa phương, cộng đồng có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Quảng Ninh đã lắp đặt các trạm đo mưa tự động. Hiện trong tỉnh có 20 điểm đo mưa tự động, dữ liệu cập nhật liên tục về lượng mưa tới Văn phòng thường trực của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Sử dụng phần mềm đánh giá khí hậu của tỉnh, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý tài nguyên và cảnh báo thiên tai tỉnh qua trung tâm GIS vùng.

Tỉnh cũng thực hiện đề án điều tra, phân tích cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá vùng miền núi Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi để tham mưu, chỉ đạo việc phòng chống thiên tai nhất là mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. 

Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng về phòng chống thiên tai.

Nhiều hoạt động tuyên truyền lồng ghép các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai được các địa phương, đơn vị triển khai, kết hợp sử dụng đa dạng các hình thức thông tin từ truyền thanh, truyền hình, nhắn tin SMS, mạng xã hội để chuyển tải thông tin tới người dân nhanh nhất.

Công tác cảnh báo trên tỉnh đã kịp thời từ đó nâng cao năng lực, chủ động ứng phó với thiên tai. 

Theo ông Nguyễn Minh Sơn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắt như thiên tai ngày càng biến đổi dị thường, không theo quy luật, cường độ thiên tai ngày càng tăng, mức độ chống chịu của các công trình còn hạn chế.  

Nhân lực làm công tác chống thiên tai tại cơ sở còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp, các thiết bị phục vụ chủ yếu là trang thiết bị văn phòng. 

Hà Minh