Trong một cuộc trò chuyện với tờ Kinh tế & Đô thị mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tất cả các mục tiêu bao trùm nhất đã đạt kết quả tích cực. Phát triển nông nghiệp có nhiều tiến bộ, tăng trưởng ổn định và bền vững. Đặc biệt trong năm 2018, nông nghiệp tăng trưởng 3,76%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đóng góp 8,7% vào mức tăng GDP chung của cả nước.

{keywords}
Ứng dụng khoa học công nghệ để nông thôn mới thực chất hơn

Đối với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống cho người nông dân, Chương trình đặt ra mục tiêu là tăng ít nhất 2,5 lần thu nhập so với năm 2009 (9,7 triệu đồng). Dù vậy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, đến nay, thu nhập bình quân của người nông dân đã đạt 35,8 triệu đồng/năm (tăng gấp 3,6 lần so với 10 năm trước). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, hiện chỉ còn 4,5%.

Đặc biệt, cả nước đã có 4.547 xã, 100 huyện và 7 tỉnh (chiếm tỷ lệ lần lượt 51,26%; 15% và 10% tổng số xã, huyện, tỉnh, TP toàn quốc) hoàn thành xây dựng NTM. Đến nay, cả nước không còn xã đạt dưới 5/19 tiêu chí. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM gần như không còn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, kết quả xây dựng NTM trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, khoảng cách vùng miền trong kết quả xây dựng NTM vẫn còn chênh lệnh lớn; thiết chế hạ tầng ở vùng núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua được đầu tư chưa tương xứng.

Mặc dù đời sống của người nông dân đã tăng khoảng 3,6 lần so với năm 2009, nhưng so với yêu cầu, mong muốn và trên thực tiễn thì chưa đạt. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường hiện còn rất nan giải. Ngay cả tại các địa phương về đích NTM đã hoàn thành tiêu chí môi trường thì kết quả công tác bảo vệ môi trường cũng chưa thể bằng lòng ở cả 3 khía cạnh: Môi trường sống – môi trường sản xuất và môi trường tự nhiên.

Và ông vẫn băn khoăn giữa số lượng đơn vị hoàn thành đi đôi với chất lượng trên các tiêu chí. “Dường như ở đâu đó vẫn còn khoảng cách giữa thành quả đạt được với kết quả thực chất. Đây là điều mà các địa phương cần đánh giá lại, rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn Chương trình”, Bộ trưởng chia sẻ.

Nói về chặng đường sắp tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí là thách thức lịch sử trong mục tiêu xây dựng NTM. Thứ nhất, nếu không cẩn trọng, chúng ta rất dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Thứ hai, Việt Nam đang đi đến chặng cuối của giai đoạn “dân số vàng”, lợi thế về lao động sẽ không còn nữa. Và còn những vấn đề của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng ngày một lớn đến đời sống, sản xuất và cơ sở hạ tầng nông thôn.

Trong bối cảnh như vậy, theo ông Nguyễn Xuân Cường, chúng ta cần tận dụng tốt nhất yếu tố thời đại là khoa học công nghệ; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách huy động nguồn lực của toàn xã hội, các thành phần kinh tế và sức mạnh tự thân của người dân.

Đánh giá bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM được áp dụng trong thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi cần tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, nhằm bảo đảm sự phù hợp và thực tế hơn đối với từng vùng miền trong quá trình triển khai.

Dù T.Ư đã tập trung ngân sách rất lớn cho xây dựng NTM, tuy nhiên, thời gian tới, phải có giải pháp huy động được nguồn lực lớn hơn. Đối với vấn đề này, quan trọng nhất vẫn là thể chế, cơ chế để khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân tham gia sâu rộng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn. Từ đó, tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh với sự tham gia của cả 3 khu vực Nhà nước – tư nhân và người dân, đồng hành cùng Chương trình xây dựng NTM.

Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là phải đánh giá lại những kết quả đạt được để rút kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM đi vào thực chất hơn. Làm sao để nông thôn khởi sắc, đời sống của người nông dân ngày một khá giả hơn, nông nghiệp tái cơ cấu bền vững theo chuỗi giá trị, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn từng bước tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài: Nguyễn Thị Thu Hằng - nhóm PV
Ảnh: Trần Minh Thúy - nhóm PV