Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có diện tích từ nhiên 41.429 ha, trải dài thuộc địa phận 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Với khí hậu mát mẻ và trong lành, đây là một trong những khu vực đa dạng sinh học lớn. Các kết quả nghiên cứu từ trước đến nay cho thấy, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có 1.091 loài thực vật bậc cao, trong đó có 40 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 25 loài được ghi trong Sách đỏ Thế giới, 11 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Các loài thực vật quý hiếm có thể kể như: sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, trầm hương, thông Đà Lạt, đỉnh tùng, vù hương, vằng đắng...
Ở khu hệ thú có 91 loài, trong đó có 25 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 20 loài trong Sách đỏ thế giới và 24 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài thú quý hiếm như: mang Trường Sơn, mang lớn, chà vá chân xám, chà vá chân đen, gấu chó, gấu ngựa, cu li lớn, khỉ mặt đỏ…
Ở Khu hệ chim có 234 loài, trong đó có 10 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 8 loài trong Sách đỏ Thế giới và 9 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài chim quý hiếm như: gà lôi lông tía, gà lôi trắng, khướu Ngọc Linh, khướu đầu xám, trĩ sao…
Ở khu hệ bò sát, ếch nhái có 65 loài, trong đó có 10 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 7 loài trong Sách đỏ Thế giới và 5 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài quý hiếm như: rồng đất, rắn hổ mang chúa, ếch gai…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số được phát hiện, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh còn nhiều tiềm năng và bí ẩn đang cần tiếp tục được nghiên cứu và khám phá.
Cuối tháng 10 năm 2019, khu bảo tồn này đã được trao danh hiệu Vườn di sản ASEAN.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng các phần mềm chuyên ngành và hệ thống định vị GPS, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ hơn 37.550ha rừng và đất lâm nghiệp được giao.
Đơn vị đã ứng dụng phần mềm Locus map thay thế cho bản đồ giấy truyền thống. Các bản đồ giấy truyền thống khi lực lượng đi tuần phải mang theo định vị, la bàn, khi cần xác định điểm tọa độ vị trí mất thời gian khá lâu, độ chính xác thấp vì sai số khi thực hiện đo; với sự phát triển của điện thoại thông minh (smartphone), nhiều ứng dụng miễn phí trong sử dụng bản đồ được xây dựng.
Phần mềm có những ưu điểm vượt trội như sau: Ứng dụng chạy trên phần mềm điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Androi, sử dụng trong mọi địa hình, điều kiện không có sóng điện thoại; khả năng định vị và lưu đường đi (tracklog) có sai số thấp, hình ảnh chụp trên tuyến tuần tra từ ứng dụng này được gắn trên tracklog của đợt tuần tra; rất tiện lợi và dễ dàng trong việc ghi dữ liệu tuần tra và trích xuất dữ liệu dưới dạng .gpx như GPS với thao tác trực tiếp trên điện thoại; Tích hợp bản đồ hiện trạng rừng một cách trực quan, sinh động phục vụ công tác tuần tra rừng dể dàng.
Phần mềm Locus map giúp lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, nắm được ranh giới của khu rừng đặc dụng, hướng dẫn người dân tránh xâm hại trong quá trình phát nương làm rẫy, nhanh chóng kịp thời báo cáo thông tin cho lãnh đạo Khu bảo tồn.