Mô hình kiểm tra chuyên ngành mới sẽ ứng dụng tối đa CNTT. Ảnh minh họa: Tạp chí tài chính |
Đây là một trong 7 nội dung của Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” vừa được Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ.
Trong họp báo giới thiệu đề án mới, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, công tác kiểm tra chuyên ngành trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập như chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ giao đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Qua đó tạo thuận lợi đầu tư, thương mại, đảm bảo an ninh an toàn và lợi ích quốc gia, cũng như đảm bảo thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong các hiệp định song phương và đa phương.
Mục tiêu của mô hình mới là cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay; Cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa; Giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, người tiêu dùng.
Nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; Giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.
Đề án gồm 7 nội dung cải cách lớn. Trong đó, cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài công tác kiểm tra, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, công khai, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.
Đề án mới áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm.
Đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra; cắt giảm số lô hàng và sẽ áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng.
Trong đề án vừa xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết sẽ ứng dụng hệ thống CNTT trong mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.
Cụ thể, cơ quan hải quan cho biết sẽ ứng dụng tối đa CNTT nhằm đảm bảo Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro thực hiện các tính năng: Xác định đối tượng phải kiểm tra, miễn, giảm kiểm tra; quyết định phương thức kiểm; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan; hỗ trợ doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn mà hàng hóa của họ đáp ứng; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; chia sẻ thông tin hiện có cũng như sẽ được chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành.
Theo tính toán, mô hình kiểm tra chất lượng mới có thể giúp cắt giảm khoảng 54,4% lượng tờ khai hàng năm và tiết kiệm được cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khoảng 881 tỷ đồng nhờ cắt giảm số ngày.
Khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Theo dự kiến, mô hình mới sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2020 - 2023), Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở triển khai thực hiện Đề án; Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn II.
Giai đoạn 2 (từ 2023 – 2026) sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các Luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.
Duy Vũ
Đánh giá và công bố xếp hạng chuyển đổi số các bộ, tỉnh từ năm 2021
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, bắt đầu từ năm 2021, thực hiện đánh giá, công bố xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm.