Thống kê của Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, từ năm 1992 đến nay có 190 sự cố tràn dầu xảy ra tại Việt Nam. Trong đó có 37 vụ ngoài khơi chiếm 19%, 88 vụ ven bờ chiếm 47% và 65 vụ trên đất liền chiếm 34%.

Các sự cố tràn dầu trên đất liền từ những nguyên nhân cơ bản sau: Các sự cố trong quá trình kinh doanh, sản xuất của các cơ sở trên bờ, các cửa hàng xăng dầu, các trạm sửa chữa cơ khí, rửa xe…; các máy móc, thiết bị vận hành gặp sự cố tự rò rỉ xăng, dầu. hóa chất mà không bị sự tác động nào; các doanh nghiệp, nhà máy không trang bị đủ kiến thức về phòng chống và ứng phó sự cố môi trường cũng như việc trang thiết bị đầy đủ để ứng phó sự cố một cách nhanh chóng và hiệu quả.

anh moi 1s.jpg
Các điểm kinh doanh xăng dầu là nơi tiềm ần nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu.

Theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp.

Ở cấp cơ sở, chủ cơ sở tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ không đủ tự ứng phó, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trợ giúp.

Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, Thủ trưởng các cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó.

Đối với cấp khu vực, sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra chưa rõ nguyên nhân của các địa phương thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì và chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó.

Đối với cấp quốc gia, trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó.

Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế.

Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Cụ thể, sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3 (tấn); Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 m3(tấn) đến 500 m3 (tấn); Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 m3 (tấn).

Việc phân loại mức độ sự cố tràn dầu để xây dựng kế hoạch ứng phó và xác định mức độ đầu tư trang thiết bị, nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời đối với các cấp độ ứng phó khác nhau.

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, để ngăn chặn các tình huống không may xảy ra sự cố tràn dầu, mỗi đơn vị, doanh nghiệp cần có những có những biện pháp khắc phục hiệu quả. Với phương châm “Phòng còn hơn tránh”, các cơ sở có phương tiện lưu chứa và vận chuyển dầu cần có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu khẩn cấp.

Bên cạnh đó, cần tập huấn và diễn tập thường xuyên cho các nhân viên làm việc có được các kỹ năng phòng tránh sự cố và xử lý sự cố tràn dầu ở mức ban đầu, nhằm làm giảm tối đa hậu quả khi có sự cố xảy ra.

Minh Hưng và nhóm PV, BTV