Chủ động xây dựng phương án diễn tập sát với thực tế
Năm 2023, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan với các hình thái thiên nhiên như: Hạn hán, động đất, bão lũ, mưa lớn kéo dài, sạt lở… đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân và tài sản của Nhà nước.
Đặc biệt, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, động đất, tình hình dịch bệnh tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặt ra nhiều yêu cầu mới, cấp bách đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Để chủ động ứng phó với các loại hình thảm họa thiên tai đã xảy ra, tỉnh Hòa Bình chủ động xây dựng phương án diễn tập sát với thực tế, luyện tập và thực hành diễn tập ứng phó với đa loại hình thảm họa, thiên tai; đầu tư thích đáng về nhân lực, vật lực và ngân sách cho công tác xây dựng phòng thủ dân sự, chuẩn bị cơ sở, vật chất phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Sáng 14/8, Diễn tập với chủ đề "Phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập hồ thủy điện Hòa Bình năm 2023" đã được triển tổ chức.
Diễn tập mô phỏng nội dung: Do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng kéo dài nhiều ngày làm mực nước sông Đà, sông Lô, sông Hồng dâng cao trên báo động 3. Mưa lớn nhiều ngày trên diện rộng làm sạt lở nghiêm trọng tại Thác Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc) và nhiều điểm tại các huyện Mai Châu, Đà Bắc. Lũ dâng cao làm sạt lở bờ sông, vỡ nhiều tuyến đê gây ngập úng trên diện rộng.
Thời điểm này, xảy ra động đất 4.0, độ sâu tâm chấn 12 km tại xã Mường Chiềng (Đà Bắc). Động đất gây rung chấn mạnh đập Thủy điện Hòa Bình, hồ chứa nước Sơn La được lệnh xả lũ. Theo dự báo, mưa to tiếp tục diễn ra trên diện rộng trong những ngày tới.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết: Phần thân đập giáp ranh với công trường đang thi công hai tổ máy xuất hiện nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến an toàn đập Thủy điện Hòa Bình. Thủy điện Hòa Bình được lệnh xả lũ khẩn cấp 12 cửa xả; nguy cơ ngập lụt 15 phường, xã thuộc thành phố Hòa Bình, buộc phải sơ tán khẩn cấp trên 22 nghìn hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt.
Cuộc diễn tập được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 diễn tập vận hành cơ chế; giai đoạn 2 thực hành ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến hồ, đập thủy điện Hòa Bình và tìm kiếm cứu nạn (TKCN).
Giai đoạn 1 có 3 vấn đề huấn luyện là: Cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình triển khai nhiệm vụ phòng thủ ứng phó với động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình và TKCN; Hội nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình đánh giá tình hình, điều hành, bổ sung kế hoạch ứng phó; giao nhiệm vụ và khắc phục hậu quả động đất làm ảnh hưởng đến đập thủy điện Hòa Bình (tham quan trực tiếp); thực hành ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình.
Giai đoạn 2 có 5 vấn đề huấn luyện gồm: Thông tin, thông báo, cảnh báo động đất, di dời Nhân dân, tài sản đến nơi an toàn, thiết lập Sở Chỉ huy phía trước của tỉnh Hòa Bình (thuyết minh dẫn dắt kết hợp xem video clip); vận hành xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình (xem video clip); TKCN người và phương tiện bị đắm chìm, trôi dạt trên hạ lưu sông Đà; khắc phục sự cố sạt lở, sập đổ công trình và TKCN (xem video clip); thiết lập bệnh viện dã chiến, khu vực sơ tán nhân dân bị ảnh hưởng do thảm họa, sự cố gây ra (tham quan trực tiếp).
Họp rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ dân sự
Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các lực lượng tham gia diễn tập nắm chắc các quan điểm, đường lối của Đảng về chiến lượng quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; bám sát nguyên tắc, gắn lý luận về xây dựng khu vực phòng thủ, các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai với đặc điểm, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để giải quyết các tình huống xảy ra.
Quá trình diễn tập, các lực lượng quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo "Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh, có hiệu quả, lấy phòng là chính” vận dụng sáng tạo phương châm "4 tại chỗ” và nguyên tắc "thống nhất chỉ huy, kiên quyết, triệt để và kịp thời, tập trung lực lượng có trọng điểm”. Lực lượng chức năng quán triệt và thực hiện đúng phương án diễn tập đã được Ban Chỉ đạo diễn tập thông qua; triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh cho các khu diễn tập, an toàn tuyệt đối cho người, trang thiết bị, phương tiện giao thông…
Được biết, sau diễn tập, Ban Tổ chức họp rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với thảm họa, động đất, thiên tai của các cấp, ngành cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có thể xảy ra trong thực tiễn.