- Việc ký kết Hiệp định Paris sẽ là một sự kiện lịch sử và là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thực thi một thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu.

LTS: Sáng 22/4, tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Việc ký kết Hiệp định sẽ được diễn ra vào ngày 29/4 tới đây. Nhân dịp này, Báo VietNamNet giới thiệu tuyên bố chung của Đại diện Ngoại giao cao cấp EU Federica Mogherini và Cao ủy EU Khí hậu và Năng lượng Miguel Arias Canete về những cơ hội và thách thức sau khi Hiệp định này được ký kết.

Việc ký kết Hiệp định Paris ở New York vào thứ Sáu tuần này (29/4) sẽ là một sự kiện lịch sử và là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thực thi một thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu.

{keywords}

Lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Sự kiện dự kiến sẽ có một số lượng kỷ lục các quốc gia tham dự: thế giới đã cam kết biến những lời hứa được đưa ra tại Paris thành hành động cụ thể. Tinh thần tại Paris vẫn còn nguyên giá trị và sẵn sàng chobướctiến tiếp theo.

Trong những năm trước đây, chúng ta đã nghe rất nhiều phỏng đoán tiêu cực rằng một thỏa thuận toàn cầu là điều không thể đạt được. Thực vậy, có những lý do mạnh mẽ cho sự hoài nghi này. Nhưng niềm tin của chúng tôi vào ngoại giao và hợp tác đa phương đã được đền đáp. Và do đó chúng tôi có thể tự hào nói rằng châu Âu đã đóng một vai trò tối quan trọng trong việc tạo ra sự đồng thuận trong một hiệp định chung của 195 quốc gia.

Trong nỗ lực hướng tới hội nghị khí hậu Paris, Liên minh của chúng tôi đã huy động một mạng lưới của 3.000 phái đoàn EU cùng đại sứ quán của các nước thành viên trên khắp thế giới. Nỗ lực đối thoại này của chúng tôi với các nước đối tác, công chúng, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự đã giúp chúng tôi xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây chính là phương châm ngoại giao cao nhất của châu Âu: cùng phối hợp vì sự tốt đẹp của châu Âu và cả thế giới.

Trong thời gian hội nghị, châu Âu đã có tiếng nói mạnh mẽ đối với mức độ tham vọng cần hướng tới. Chính sách ngoại giao khí hậu của chúng tôi đã hình thành một mạng lưới các liên minh với nhóm 79 quốc gia châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ đồng thời với cả những nước lớn và những nước đang phát triển nhằm hướng tới mức độ tham vọng cao nhất. Đến nay, có thể nói Liên minh Tham vọng Lớn chính là nhân tố làm thay đổi cục diện tại Paris.

Tuy vậy, công việc của chúng tôi vẫn tiếp tục. Paris mới chỉ là sự khởi đầu. Các liên minh thành công mà chúng tôi thiết lập được trong quá trình chuẩn bị và sau hội nghị Paris sẽ là một cơ sở hết sức quan trọng: chúng tôi sẽ cần đến sự hỗ trợ của mỗi một quốc gia nhằm đảm bảo việc bám sát theo kế hoạch đã đề ra trong nỗ lực dịch chuyển sang việc sử dụng năng lượng sạch trên toàn cầu. Đó là cách duy nhất để khống chế sự nóng lên toàn cầu dưới mức 2°C cũng như giới hạn sự tăng nhiệt độ này không quá 1,5°C.

Nền nhiệt độ toàn cầu đã đạt tới những mức cao kỷ lục. Tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục đe dọa tới cuộc sống con người và làm cho tất cả các khu vực trên thế giới bất ổn. Hành động tập thể trên quy mô toàn cầu trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Hoang mạc hóa và hạn hán đã dẫn tới sự gia tăng những dòng người di cư, làm bùng phát dịch bệnh và gây ra những cuộc xung đột nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên. Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề về chính sách đối ngoại: nó ảnh hưởng tới an ninh của chúng ta ngay từ lúc này, chứ không phải trong một tương lai xa.

Việc đối phó với nguy cơ đe dọa toàn cầu này cần phải tiếp tục được đặt trong trọng tâm hành động ngoại giao của châu Âu – tất cả 28 bộ ngoại giao trong EU đã nhất trí với định hướng này. Việc ứng phó với những tác động an ninh trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu sẽ là một phần quan trọng trong Chiến lược Toàn cầu về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU sẽ được trình lên Hội động châu Âu trong tháng 6 tới đây.

Đây là một mối đe dọa phức tạp, nhưng chúng tôi đã có rất nhiều công cụ cần thiết để đối phó với sự bất ổn của khí hậu và giảm thiểu những nguy cơ đối với hòa bình. Các đối tác của chúng tôi trong G7 hiện cũng đang rất nỗ lực nhằm xác định những lĩnh vực cụ thể nào cần có hành động. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì các chiến lược của chúng tôi dành cho các vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển, hỗ trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình cần phải có sự gắn kết mạnh mẽ hơn. Mọi chính sách của chúng tôi cần luôn phải lưu tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu, như đã được khuyến nghị trong Nghị trình của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững 2030.

Khi thời gian và nguồn lực tài chính là có hạn, chúng ta không thể cho phép những hành động bị lặp lại và thiếu nhất quán.Các chương trình quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu có thể xác định và thúc đẩy những lợi ích chungcũng như sự hiệp lực khi gắn với những lĩnh vực khác như phát triển kinh tế-xã hội, y tế, môi trường hay hòa bình.

Ưu tiên hiện nay của chúng tôi đó là việc sớm phê chuẩn và thực thi Hiệp định Paris. Điều này sẽ gửi đi một thông điệp quan trọng ra thế giới: các chính phủ châu Âu luôn nghiêm túc đối với vấn đề biến đổi khí hậu và chúng tôi sẽ chuyển thành hành động thực tiễn những gì đã được thống nhất trên giấy.

Cũng với lý do trên, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng không thể thất bại trong việc triển khai những kế hoạch về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu mà chúng tôi đã chuẩn bị trước hội nghị Paris.Chúng tôi sẽ hỗ trợ các đối tác của mình trên khắp thế giới khi họ chuẩn bị cho việc thực thi, đồng thời chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các nhà hoạt động không ở cấp Nhà nước như các doanh nghiệp, thành phố và nhiều đối tác khác. Mỗi một người đều cần phải thực hiện vai trò của mình trong nỗ lực toàn cầu trước mắt.

Đã đến lúc bắt tay vào khối lượng lớn công việc này nhằm hiện thực hóa những cam kết tại Paris. Chúng ta vẫn sẽ cần tới tham vọng và định hướng chung tương tự như những gì đã giúp mang lại thỏa thuận Paris. Liên minh của chúng tôi sẽ tiếp tục đi tiên phong –như cách mà chúng tôi vẫn đang làm – hướng tới việc đảm bảo cho một hành tinh xanh hơn và an toàn hơn.

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850).

Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.

Xuân Văn