Buổi tối trước vào viện một ngày, ông T. (51 tuổi, ở Phú Thọ) thấy mệt nhiều nên đi ngủ sớm. Sáng ngủ dậy, gia đình phát hiện bệnh nhân nằm trên giường trong tình trạng rối loạn ý thức, gọi hỏi không trả lời, thở mạnh, tăng tiết đờm dãi, liệt cứng tứ chi, 2 tay co, 2 chân duỗi...

Ông được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nhãn cầu rung giật liên tục; 2 tay tăng trương lực cơ, tư thế gấp khuỷu tay vào ngực; liệt mặt trung ương; ho khạc kém, bí tiểu...

Bệnh nhân nhanh chóng được khảo sát cộng hưởng từ sọ não, xét nghiệm máu cơ bản và chuyên sâu. Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI sọ cho thấy tổn thương giảm khuyếch tán lan tỏa ở cạnh não thất bên 2 bán cầu, biểu hiện dạng tổn thương của bệnh não do chuyển hóa hoặc độc chất, tổn thương dạng hủy myelin do thẩm thấu vùng cầu não.

Do có tổn thương não đặc biệt nên bệnh nhân được chọc dịch não tủy để sàng lọc thêm. Các bác sĩ hội chẩn lâm sàng, hình ảnh học, xét nghiệm và đưa ra chẩn đoán ông T. mắc bệnh não Wernicke do rượu và điều trị theo phác đồ.

Hiện tại, dù tình trạng sức khoẻ đã cải thiện dần nhưng tiên lượng bệnh nhân vẫn còn nặng nề, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết chiều 26/9.

Bệnh não Wernicke là một rối loạn khởi phát cấp tính với biểu hiện lâm sàng như rung giật nhãn cầu, liệt vật nhãn 1 phần, lú lẫn,... Bệnh xảy ra chủ yếu do thiếu vitamin B1 và thường xuất hiện ở những người nghiện rượu.

Như trường hợp ông T., gia đình cho biết mỗi ngày ông uống trên 500ml rượu trắng nấu không rõ nồng độ. Dù vậy, ông rất ít khi đi khám sức khỏe.