Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang trong những ngày rét đậm, chênh lệch nhiệt độ trong nhà - ngoài trời lớn. Các cơ sở y tế ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Tưởng đột quỵ sau khi bị méo miệng
Khoa Khám bệnh đa khoa Bệnh viện Châm cứu Trung ương vừa tiếp nhận anh N.H (29 tuổi, Hà Nội) vào viện trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, nhân trung lệch trái, rãnh mắt mũi bên phải mờ. Bệnh nhân không thể làm động tác thổi lửa, huýt sáo…
Trưởng khoa Nguyễn Tiến Dũng cho biết trước khi vào viện 3 ngày, anh H. ngủ dậy thấy phòng vẫn ấm nên kéo cửa ban công cho thoáng. Khi vào nhà vệ sinh, anh bất ngờ vì nước đánh răng chảy vương vãi, không thể kiểm soát dù cố ngậm miệng.
Nhìn vào gương, anh thấy miệng lệch nhẹ, đặc biệt khi chớp, nhắm mắt, hai bờ mi bên mắt trái không khép lại kín. Tưởng đột quỵ, anh lập tức đi khám và được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hoàn toàn, chuyển Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị.
Liệt dây thần kinh số 7 có hai loại: Liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (do lạnh, số ít do viêm tai giữa, zona thần kinh).
80% trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột sang lạnh. Mới đây, Khoa Y dược học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) cũng liên tiếp ghi nhận trường hợp mắc bệnh này. Điển hình là bệnh nhân nam 36 tuổi, về nhà khi tối muộn, vừa đến nơi thì thấy tê bì mặt, miệng méo, một bên mắt không nhắm kín. Trường hợp khác là người phụ nữ 37 tuổi, ngủ dậy xuất hiện méo miệng, tê bì, mất cảm giác một bên mặt.
"Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này co lại gây tổn thương. Chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh đã có thể mắc bệnh", BS Dũng lý giải.
Theo ông, vào các thời điểm chuyển mùa, trời lạnh, số ca liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gia tăng. Mỗi ngày, khoa Khám bệnh đa khoa tiếp nhận tới hàng chục trường hợp.
Dấu hiệu điển hình của bệnh này được 90% bệnh nhân mô tả là buổi sáng thức dậy, đánh răng thấy vương vãi nước, soi gương mặt bị lệch, mắt không thể nhắm kín. Một số người bị kín đáo hơn nhưng khi chu môi, thổi lửa, huýt sáo… mới biểu hiện rõ. Số ít bị liệt dây ở cả 2 bên, mặt không bị lệch nhưng cứng đờ, cười hay khóc đều không biểu hiện rõ.
Vì sao nhiều người trẻ bị bệnh?
Nhiều người cho rằng đối tượng hay bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là người cao tuổi, thực tế, các cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ. Theo BS Dũng, nguyên nhân chính là người trẻ chủ quan, trong khi người già thường cẩn thận, mặc ấm, cảnh giác với gió lạnh.
Một tháng đầu tiên kể từ sau khi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là giai đoạn tốt nhất để điều trị bệnh này. Càng để lâu, đặc biệt sau 3 tháng, bệnh nhân khó hồi phục hoàn toàn, mặt, miệng có thể bị lệch vĩnh viễn, thậm chí máy cơ với biểu hiện giật mặt.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo không ít ca nhập viện muộn do điều trị sai cách. Mới đây, các bác sĩ cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân K. (26 tuổi) bị bệnh khi mang thai tháng thứ 8. Chị bị méo miệng, lệch mặt nhưng tìm thầy lang đắp máu lươn cho "lành".
Sau 2 tuần, cơ mặt chị cứng đờ, mắt không thể khép kín mới đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Sau một tháng, chị sinh con nên việc điều trị bị gián đoạn. Sau khi trở lại viện điều trị, bệnh nhân chỉ hồi phục 80%.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo việc làm quan trọng nhất là giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Trẻ nhỏ ra ngoài trời cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn; tránh ngồi nơi gió lùa, không tắm quá khuya, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.