Mới đây, Hội thảo "Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" đã diễn ra tại Bình Dương.
Theo đó, các chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành khẳng định, với sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, góp phần hình thành nên bức tranh toàn cảnh với nhiều cơ hội lớn và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể chớp lấy thời cơ, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng dự báo về thị trường sắp tới, việc quy hoạch vùng, khai thác quỹ đất sao cho hiệu quả, chuẩn bị về hạ tầng, nguyên liệu, logistic, khơi thông liên kết để tạo điều kiện cho việc hình thành các cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành trong và giữa các địa phương. Cùng với đó là các chính sách, cải cách hành chính để thu hút đầu tư vào các địa phương, cơ chế phối hợp, thống nhất giữa các địa phương trong vùng tứ giác kinh tế: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương lân cận để liên kết, khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, mặc dù ngành công nghiệp phát triển khá tốt, tuy nhiên, cũng như thực trạng chung cả nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn phụ thuộc nhiều vào sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Việc ngành công nghiệp hỗ trợ, chuỗi cung ứng chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp. Biểu hiện rõ nhất qua đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất, nhất là ngành điện tử, dệt may, da giày…
Theo thống kê mới nhất, Bình Dương có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể: Dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày có 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ có 953 doanh nghiệp, cơ khí có 710 doanh nghiệp… Có thể nói không đủ đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Để ngành công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nhanh và bền vững, đặc biệt trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư đang gia tăng và sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bình Dương đã xác định: "Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ; ưu tiên mời gọi, thu hút hoặc mở rộng đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng lớn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao; nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu".
Do đó, Bình Dương đang tập trung rất mạnh mẽ thực hiện Đề án Thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu là thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, thể hiện ở việc ban hành và áp dụng nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển các dự án khu công nghiệp theo hướng chú trọng vào khoa học công nghệ. Nghiên cứu hình thành khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ để thu hút tất cả doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.
Hạ An