Sáng nay, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiện nay.

Đề cập đến vấn đề ủy quyền, ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng cần làm rõ ai ủy quyền, ủy quyền cái gì, người ủy quyền và người được ủy quyền chịu trách nhiệm như thế nào. Nếu không quy định rõ sẽ xảy ra chuyện như vừa rồi, "các thứ trưởng bị dính kiểm điểm, kỷ luật hết".

{keywords}
Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

"Quan trọng là người đứng đầu. Khi Bộ trưởng phân công cho các thứ trưởng thì trách nhiệm chính vẫn là ông Bộ trưởng chứ không phải thứ trưởng", ông Khải nhấn mạnh.

Theo ông, trong Chính phủ cũng thế, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm, còn các Phó Thủ tướng quy định ghi rõ là người giúp việc cho Thủ tướng trong các lĩnh vực chứ không thể nói đây là thẩm quyền của Phó Thủ tướng.

"Thẩm quyền ở bộ chỉ có Bộ trưởng, thẩm quyền ở Chính phủ chỉ có Thủ tướng và trong nội bộ Chính phủ thì chỉ có thẩm quyền của Chính phủ, còn bộ là cơ quan giúp Chính phủ trong các lĩnh vực khác nhau và chịu trách nhiệm theo dõi", ông Khải phân tích.

Theo ông Khải, cần rà soát, khái quát quy chế làm việc của Chính phủ thì sẽ làm rõ được việc phân công công việc giữa Chính phủ với các bộ, giữa Thủ tướng với các Phó Thủ tướng, giữa Thủ tướng với các bộ trưởng.

"Vừa rồi có cái này rất hay, Bộ Công an tinh giản, sắp xếp lại thì người đứng đầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Thủ trưởng Cơ quan an ninh không phải là Tổng cục trưởng mà là thứ trưởng. Cái này rất đúng, là sự phân công giữa Bộ trưởng với Thứ trưởng. Còn giao hẳn cho 1 ông Tổng cục trưởng lơ lửng, lại trực thuộc Bộ sau này xảy ra hệ quả pháp lý rất khó", ông Khải dẫn chứng.

Nhiều địa phương tìm cách đẩy việc lên Thủ tướng

Nói về phân cấp, phân quyền, ông Khải đề nghị phải trao thẩm quyền nhất định cho chính quyền địa phương mới đảm bảo hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Địa phương tự chủ được, nuôi được con người, thấy công việc đó cần có ông A, B, C thì nên để họ làm.

"Tại sao ngày xưa ông lý trưởng làm hết được công việc của một xã, còn bây giờ bộ máy quá cồng kềnh mà không làm được", ông Khải nêu thực tiễn và đề nghị nên cho chính quyền địa phương tự chủ về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ không nên nắm hết. 

Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) Dương Quang Tung chỉ rõ 2 nghịch lý trong phân cấp, phân quyền: “Cái cần buông thì nắm, cái cần nắm thì buông” và tình trạng cát cứ về thẩm quyền ở địa phương còn lớn.

Một số việc phân cấp cho chính quyền tỉnh nhưng bộ, ngành vẫn nắm quyền kiểm soát, các tỉnh vẫn phải xếp hàng lên bộ ngành, Chính phủ "xin ý kiến". Như vậy việc “phân cấp mang tính nửa vời”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu thực tế ngược lại thời gian qua, có khá nhiều thông tin phản ánh hiện tượng nhiều địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng. 

{keywords}
Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền chưa đủ rõ ràng, mạch lạc.

Một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã chưa được quy định rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp.

Ông phường to lắm chứ đừng nói ít quyền

GS.TS Phạm Hồng Thái, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội nói vui: Nền hành chính của Việt Nam là nền hành chính "xin ý kiến". Ông cho rằng cái gì đã phân quyền cho địa phương thì TƯ không được can thiệp, chỉ đứng ngoài giám sát. Trên thế giới, TƯ can thiệp vào địa phương thì có thể khởi kiện. 

Theo GS Thái, ai cũng nhìn thấy xu hướng phân cấp, phân quyền càng nhiều nhưng ở Việt Nam diễn ra 2 xu hướng ngược nhau, TƯ nói phân cấp, tăng quyền sáng tạo cho địa phương nhưng thực chất thực tiễn lại không muốn phân cấp.

"Phải chăng là động chạm tới lợi ích gì đó, hình thành cơ chế xin cho", ông Thái băn khoăn. Theo ông, phân định thẩm quyền chưa rõ, ai "dẻo miệng" thì xin cho vì phân cấp gắn với tài chính, biên chế...

GS. Thái nêu thực tế phân cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây do Chủ tịch UBND quận, huyện cấp là xong, bây giờ thu về 1 đầu mối, phải từ phường lên quận, quận không có quyền, lại gửi xuống trung tâm của TP. Trong khi qua ông này cực khó, sau đó mới quay về quận ký.

Có cái cần phân cấp, có cái không cần, mà phải bằng tư duy trao trọn vẹn quyền cho cấp nào đó để xử lý.

"Ông phường to lắm chứ đừng nói ít quyền, cứ ra làm thủ tục xem, tôi đi làm nhiều tôi biết", ông dẫn thực tế.

GS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch QH cho rằng việc không thừa nhận chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền đã cản trở về việc phát huy rất nhiều giá trị phổ quát của tự quản chính quyền địa phương.

Nếu thừa nhận chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền thì mọi việc đều hết sức minh bạch, bộ máy của mình, con người của mình, tài sản của mình, thậm chí là phù hiệu riêng của mình. Còn nếu không tất cả đều xin ở trên, từ trên đưa xuống rồi dưới lại báo lên trên.

{keywords}
GS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch QH

Hiện các cấp có thẩm quyền đang cho phép Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị và tiến tới áp dụng cơ chế đặc thù cho 5 thành phố trực thuộc TƯ.

"Đó là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương lâu nay có nhiều ấm ức. Mô hình đó vẫn đang 'xôi đỗ' vậy thôi. Chúng ta đang có 16 địa phương thu ngân sách lớn, chiếm hơn 40% GDP. Nếu cứ thoả mãn cho anh nào muốn có đặc thù thì có đặc thù sẽ rất phức tạp", ông Thông cảnh báo.

"Tôi tin rằng tự quản địa phương là con đường chúng ta phải đi, vấn đề là thời gian", Trợ lý Chủ tịch QH nói.

13 thứ trưởng 7X, người trẻ nhất sinh năm 1978

13 thứ trưởng 7X, người trẻ nhất sinh năm 1978

7/22 bộ ngành có Thứ trưởng thuộc thế hệ 7X, trong đó có 2 ủy viên TƯ dự khuyết. Thứ trưởng KH-CN Bùi Thế Duy trẻ nhất, sinh năm 1978.

Thu Hằng