Ngày 19/11/2024, Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (Tổ thường trực) đã có phiên họp lần thứ hai để đánh giá kết quả thực hiện của Tổ Thường trực trong thời gian qua, đồng thời cập nhật tình hình triển khai chiến lược và định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cao về nội dung báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hoạt động của Tổ Thường trực về tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2021-2024 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2025. Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi về những khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và hiện thực hóa các mục tiêu về tài chính toàn diện đã đặt ra.

ngan hang nam khanh 5.jpg
Việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng 

Ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, nhấn mạnh, việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, việc triển khai Chiến lược đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo đạt được những mục tiêu của Chiến lược, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực thực hiện tốt những nhiệm vụ chung cũng như những nhiệm vụ cụ thể được giao cho từng bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan.

Ngày 20/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát là: “mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.

Tới ngày 11/9/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1394/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về Tài chính toàn diện. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Thủ tướng Chính phủ (Trưởng Ban); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Phó Trưởng Ban); đại diện lãnh đạo của 16 cơ quan, bộ, ngành (Văn phòng Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước).