Tại Hội thảo hoàn thiện khung hướng dẫn quản lý chung cho các KDTSQ thế giới tại Việt Nam được tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết: Tại KDTSQ Cù Lao Chàm, vai trò của cộng đồng trong quá trình quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên là rõ ràng và được quy định trong Khoản 2, Điều 4, Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hội An về Quy chế quản lý Khu dự trữ Cù Lao Chàm: “Quản lý Khu sinh quyển phải có sự tham gia của 04 lực lượng gồm: a) Lực lượng quản lý; b) Lực lượng nghiên cứu khoa học; c) Lực lượng doanh nghiệp; d) Lực lượng quần chúng”.

W-2-cu-lao-cham-1.jpg
KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm là minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa  thiên nhiên và con người 

Tại vùng đệm của KDTSQ, công tác bảo tồn, phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh đã bước đầu đi vào ổn định và đạt được một số kết quả ban đầu. Hoạt động có sự tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ  chức trong và ngoài nước. Đối vùng lõi của KDTSQ, công tác phân vùng được thực hiện trong giai đoạn 2004 – 2005, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Tháng 12/2005, Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đây là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ các hệ sinh thái biển nói riêng và môi trường tại Cù Lao Chàm nói chung. 

Theo đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm là minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa  thiên nhiên và con người trong số 11 KDTSQ thế giới tại Việt Nam.

Đối với KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm, cụm đảo này là số ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ rừng đến 70%. Hệ sinh thái biển phong phú về thành phần loài và đa dạng nhóm thực vật trong hệ san hô, thảm cỏ biển. Thành công quan trọng của KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm là bảo tồn nguyên vẹn giá trị hệ sinh thái rừng, biển, thể hiện ở sự đa dạng về loài và nguồn gene. Đặc biệt, cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm đã tích cực hưởng ứng, tham gia vào các hoạt động chuyển đổi sinh kế truyền thống sang du lịch - dịch vụ theo hướng bền vững. 

Đến nay, KDTSQ thế giới Hội An - Cù Lao Chàm là một trong những nơi ứng dụng thành công mô hình đồng quản lý với 4 thành phần: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và cộng đồng. Cộng đồng tại đây tham gia vào tất cả các hoạt động khai thác và quản lý tài nguyên trong KDTSQ thế giới với các mức độ khác nhau. Cư dân địa phương cũng tham gia mạnh mẽ vào các chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học như: Cù Lao Chàm nói không với túi nilon (từ 2009), phong trào bảo vệ cua đá hay gần đây là nói không với ống hút nhựa…

Theo đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, việc bảo tồn hệ sinh thái Cù Lao Chàm cũng đối diện những thách thức. Trong 10 năm trở lại đây, rừng Cù Lao Chàm bị tác động rất lớn từ việc xây dựng  các công trình trên đảo, hệ sinh thái rừng bị chia cắt thành nhiều mảng, nhiều diện  tích rừng tự nhiên bị mất..., làm ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc hệ sinh thái, chia  cắt sinh cảnh sống của các loài động vật. Việc sạt lở đất đá vào mùa mưa làm tăng  thêm trầm tích che phủ rạn san hô, ô nhiễm môi trường biển.

Bài toán của Cù Lao Chàm hiện nay chính là giải quyết câu chuyện giữa phát triển du lịch và các vấn đề phát sinh trên đảo như môi trường, nguồn nước, bảo đảm an toàn, giữ gìn đa dạng trong vùng lõi nhằm vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn, duy trì sự đa dạng trong khu sinh quyền, đặc biệt vùng lõi và vùng đệm trong khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, đồng thời duy trì giữ gìn tốt các yếu tố nhân văn, văn  hóa bản địa của cư dân nơi đây.

Huệ Anh

Tư Giang và nhóm PV, BTV