50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm

Đây là một trong các chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học được nêu rõ trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Tất cả học sinh cũng được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm.

Theo Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm phổ biến như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, ung thư... có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là: hút thuốc lá (hoặc thuốc lào), thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý. 

Riêng với yếu tố hút thuốc lá, trong lứa tuổi học sinh trung học, tỷ lệ hút thuốc chung giảm từ 5,4% xuống 2,8% (từ năm 2013-2019) trong khi đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng, 2,6% trên cả nước và 7,9% ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi. 

Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotin), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotin)... Chúng được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son,… Do vậy, học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện.

W-thuoc-l225-dien-tu-1.png
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh không lây nhiễm. 

Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây,..) cùng những lời quảng cáo như không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định “không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.

Vai trò của gia đình và nhà trường

Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng. Theo đó, cha mẹ dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. 

Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. Trong đó, giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện; Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

Theo bác sĩ Vinh, sự phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh và trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước.

Tác hại của thuốc lá điện tử

Nicotine gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.

Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.

Lê Na và nhóm PV, BTV