- Đối với Nhật Bản, sự đối đầu với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là để duy trì hiện trạng. Họ muốn trở về trạng thái của bản thân cuộc tranh chấp lãnh thổ thông thường.

Tokyo đơn giản muốn tiếp tục làm những gì họ đã làm kể từ những năm 1970: quản lý các đảo; tự do tuần tra vùng nước lân cận và đối mặt với các sự cố xảy ra kiểu như việc đổ bộ của một số công dân Trung Quốc lên hòn đảo nào đó trong nhóm đảo tranh chấp.

Trước đây, vấn đề Senkaku/Điếu Ngư hiếm khi là hòn đá tảng trong quan hệ Trung - Nhật. Tokyo đang rất muốn trở lại trạng thái ấy.

Nhưng với Trung Quốc, sự đối đầu ở Hoa Đông vượt ra ngoài ranh giới tranh chấp quần đảo. Hơn ai hết, Tokyo hiểu rõ - có lẽ hơn cả Washington - rằng, Bắc Kinh đang hướng tới việc thay đổi trật tự trong khu vực và liên quan với điều đó, là thay đổi một trật tự tương đối hòa bình duy trì trên vùng biển này trong suốt ba thập niên qua. Nhật đang nỗ lực đối phó với mục tiêu lớn hơn ấy. Điều đó giải thích vì sao khi Thủ tướng Abe thảo luận vấn đề an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, ông đã đề cập tới chuyện làm việc với Mỹ để "đảm bảo tự do trên các vùng biển và an ninh khu vực được điều chỉnh dựa trên cơ sở luật pháp, chứ không phải vũ lực".

{keywords}
Mỹ, Nhật tập trận ở Hoa Đông. Ảnh: US Navy Photo


Nhật: Thể hiện sức mạnh và duy trì hiện trạng

Trong bài phát biểu đầu năm nay tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, ông Abe mô tả Nhật như một "người ủng hộ các quy tắc, người bảo vệ các khu vực chung toàn cầu, một đồng minh và đối tác hiệu quả với Mỹ cũng như các nền dân chủ khác". Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có thể không phải về tự do trên biển, nhưng ông Abe nhận thấy rằng, nếu Trung Quốc đạt được các mục tiêu thông qua vũ lực hay thị uy, thì họ có thể áp dụng lần nữa với các quốc gia yếu hơn ở Đông Nam Á.

Và, thành công ở vùng biển phía đông sẽ cho phép Bắc Kinh tập trung nguồn lực hàng hải ở vùng biển phía nam. Những ý đồ của Trung Quốc với hầu như toàn bộ Biển Đông sẽ ảnh hưởng lập tức tới tự do hàng hải cũng như sự tiếp cận cởi mở với các khu vực chung trên toàn cầu.

Hơn thế nữa, khi thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với các nền dân chủ khác, Thủ tướng Nhật đã bóng gió về một mục tiêu khác - đó là khả năng mở ra một trật tư khu vực mới đối lập với tầm nhìn của Trung Quốc. Ông Abe muốn xây dựng một chiến lược địa chính trị mới “hướng Nam” và được đặt tên là “An ninh dân chủ kim cương” liên kết tất cả những quốc gia từ Ấn Độ kéo dài xuống Đông Nam Á và đến tận Australia. Tất cả những quốc gia này có cùng một mối quan ngại chung là bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc đe dọa.

Tầm nhìn này đại diện cho quá trình tiến triển tự nhiên của một trật tự khu vực châu Á hiện tại, và sự đoán biết tương lai - nơi các nền dân chủ tự do của châu lục chia sẻ trách nhiệm lớn hơn với Mỹ trong nỗ lực gìn giữ hòa bình. Nó cũng là tầm nhìn không tương hợp với định dạng tương lai "Trung Quốc làm trung tâm" mà Bắc Kinh theo đuổi.

Tokyo biết rằng, nếu họ thoái lui khi đối mặt với những mối đe dọa Trung Quốc, thì chiến lược "dân chủ kim cương" của ông Abe sẽ thất bại.

Cần chú ý rằng chủ nghĩa dân tộc đóng một vai trò đáng kể trong cách tiếp cận của Nhật với bế tắc ở Hoa Đông. Cuộc tranh cử của ông Abe - 6 năm sau khi ông làm thủ tướng lần thứ nhất - là minh chứng cho thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc của người dân Nhật. Với người Nhật, tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư không đơn thuần là vấn đề chủ quyền, không phải là chuyện bị áp chế. Nó là thể hiện sự ngoan cường và sức mạnh. Giữa cảm giác ấy, ông Abe không thể yếu đuối.

Vai trò của Mỹ

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama có thể kết luận rằng, họ đơn giản là không quan tâm đến cách sắp đặt cuối cùng về Senkaku/Điếu Ngư mà họ cần chú ý nhiều hơn tới việc tranh chấp được giải quyết thế nào. Quyết định của Trung Quốc trong việc chuyển sang cách tiếp cận đối đầu hơn đang gióng lên hồi chuông báo động tại Washington.

Vậy Washington nên làm gì? Đầu tiên chính quyền cần khẳng định rằng, Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Nhật bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thứ hai, Washington cần truyền tải đến Bắc Kinh thông điệp rằng, họ coi việc Bắc Kinh áp chế hay dùng vũ lực giải quyết tranh chấp là tổn hại tới các lợi ích cốt lõi của Mỹ. Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Mỹ Kerry cần nhắc lại lời cảnh báo hồi tháng 1 của bà Hillary Clinton rằng: "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm tìm cách phá hoại sự quản lý của Nhật Bản và thúc giục tất cả các bên tiến hành các bước cần thiết để ngăn chặn sự cố, giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình".

Phát biểu của bà Hillary có điểm khác biệt với tuyên bố của ông Kerry. Ông đã cảnh báo chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm phá hoại nguyên trạng chứ không phải phá hoại sự quản lý của người Nhật.

Thứ ba, Tổng thống Obama cần tán thành đề xuất "dân chủ kim cương" của ông Abe và làm việc cùng với Thủ tướng Nhật để đề xuất được thực thi.

Có một sách lược đối đầu đang diễn ra ở Hoa Đông. Nhật Bản muốn tiếp tục quản lý vùng lãnh thổ tranh chấp như đã từng làm trong nhiều thập niên qua và Trung Quốc thì nỗ lực thay đổi thực tế ấy. Một sự cố, hiểu nhầm hay một hành động được toan tính thực sự có thể khiến căng thẳng trở nên sôi sục hơn. Xung đột ở Hoa Đông hiện nay là sự thu nhỏ của một cuộc cạnh tranh lớn hơn về tương lai châu Á.

Thái An (theo American Enterprise Institute)