Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 “Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực", thông qua các phát biểu của phiên dẫn đề, lãnh đạo và quan chức cấp cao từ Indonesia, Australia, Anh, EU, Canada, khẳng định rằng Biển Đông là ưu tiên của các nước, ủng hộ việc duy trì khu vực hoà bình, ổn định, thịnh vượng, đảm bảo an toàn, an ninh, hàng hải. Các lãnh đạo của các nước đề cao giá trị của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, khuyến khích tăng cường hợp tác. Trưởng SOM ASEAN Indonesia nhấn mạnh vai trò trung tâm và quan trọng của ASEAN sẽ đảm bảo cho Biển Đông là vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng.

Đánh giá tình hình và cục diện thế giới và khu vực, nhiều ý kiến cho rằng trong môi trường chiến lược hiện nay, trật tự thế giới không còn tồn tại hình thái đa cực thực sự như trước Chiến tranh thế giới II; xu hướng cùng tồn tại hoà bình và trật tự quốc tế đang gặp nhiều thách thức. Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với các nguy cơ quân sự hoá tại khu vực và hành vi đơn phương, đặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Bên cạnh những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhiều thách thức mới nảy sinh, trong đó có xu hướng tác chiến ngầm dưới biển, sử dụng các cơ sở hạ tầng dưới nước trong các hoạt động quân sự hoặc phi quân sự, làm gia tăng các nguy cơ đe doạ tự do, an toàn, an ninh hàng hải.

W-bemac.png
Các học giả thảo luận các thách thức chung với an toàn và tự do hàng hải quốc tế

Các học giả đã thảo luận các thách thức chung với an toàn và tự do hàng hải quốc tế, nhấn mạnh Biển Đỏ và Biển Đông có nhiều điểm đồng. Nhiều bài học, kinh nghiệm đã được chia sẻ; gồm cả việc phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế như IMO (Tổ chức hàng hải quốc tế). Học giả Israel cho biết 10 năm trước, không ai nghĩ các chủ thể phi nhà nước có thể làm thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông như hiện nay, cho rằng đó là bài học mà khu vực Đông Nam Á không nên coi nhẹ.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS). Thẩm phán Toà án luật biển quốc tế (ITLOS) Hidehisa Horinouchi khẳng định tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). UNCLOS vẫn tiếp tục phát triển để điều chỉnh các vấn đề mới như Vùng – đáy biển quốc tế, nguồn cá, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển, biến đổi khí hậu.

Để thích ứng với các vấn đề mới, Thẩm phán chỉ ra ba phương thức: thông qua các văn kiện thực thi, đàm phán các thỏa thuận mới hoặc dựa vào giải thích của các cơ quan tài phán (qua các án lệ và qua ý kiến tư vấn). Các chuyên gia pháp lý cho rằng UNCLOS cần được giải thích và áp dụng một cách có thiện chí. Cũng có ý kiến để đảm bảo UNCLOS, nên có sự tham gia cam kết của các nước lớn, trong đó có Mỹ; và nước trong khu vực như Campuchia cũng nên phê chuẩn UNCLOS.

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động với sự chuyển dịch địa chính trị; cạnh tranh mở rộng sang tầm nhìn và quản điểm cùng phát triển khoa học công nghệ, vẫn còn nhiều công cụ giúp quản lý căng thẳng: ngoại giao, luật quốc tế và cam kết chung và hợp tác hoà bình. Vai trò của ASEAN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, ASEAN cần tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm thúc đẩy tuân thủ và củng cố các chuẩn mực chung giúp đảm bảo hòa bình ổn định tại khu vực.