Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Vàm Cỏ Đông ngược dòng huyền tích của tác giả Hoài Hương.

“Hò ơ, dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi, 

trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng…”

“…Ơ, ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông,

Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng…”

Ngay từ ngày nhỏ, khi còn ở Hà Nội trước năm 1975, tôi đã nghe hai ca khúc Lên ngàn (Hoàng Việt) và Vàm Cỏ Đông (thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục) gần như nằm lòng, dù chưa đủ hiểu hết ý nghĩa ca khúc..

Tôi đã thực sự choáng khi lần đầu tiên, tháng 6/1975, nhìn thấy dòng Vàm Cỏ Đông vào mùa mưa bởi dòng nước xiết, xoáy, chảy băng băng…, cùng vẻ đẹp có phần hoang dã mạnh mẽ đầy bí ẩn của con sông này dù đó chỉ là cảm nhận rất non nớt của một đứa bé hơn 10 tuổi…

Dòng sông của huyền thoại và trầm tích văn hóa

Theo thổ nhưỡng sông núi của trấn Phiên An - Nam Việt trong sách “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức thời nhà Nguyễn chép: sông bắt nguồn từ phía Bắc tỉnh Svay Rieng - Campuchia, với tên Prek Kampong Spean. Khi qua biên giới Việt Nam sông có tên gọi theo tiếng bản địa là sông Cái Cậy - âm Hán tự cổ có nghĩa gần giống như suối tóc hay tóc dài của người con gái. Sông có chiều dài 280km, phần trên lãnh thổ Việt Nam là 190km. Vào thời nhà Nguyễn, sông mang tên Quang Hóa hay Khê Lăng, vì chảy qua gần lỵ sở và cắt ngang chính giữa huyện Quang Hóa, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định.

Đầu nguồn sông chạy dọc biên giới vào đất Tây Ninh còn được gọi là sông Suối Mây, khúc sông này có phần chảy ngang qua vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, sau này là khu di tích Trung ương Cục miền Nam. Sau đó, sông chảy dọc theo Châu Thành, Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng với thủy trình gần 100km. 

Từ cả trăm năm nay, những khai quật khảo cổ học dọc sông Vàm Cỏ Đông chảy trong đất Việt theo trục Trảng Bàng - Bến Cầu - Gò Dầu - Châu Thành và một phần của Tân Biên, đã hiện lên cả một nền văn hóa hậu Óc Eo rực rỡ khoảng 1.200 năm trước gắn liền với lịch sử phát triển của Vương quốc Phù Nam cổ xưa với nhiều di tích còn lại. 

Như các cụm di tích: Thanh Điền (Châu Thành), Bình Thạnh (Trảng Bàng), Bến Đình (Bến Cầu) và Chót Mạt (Tân Phong - Tân Biên). Cùng rất nhiều hiện vật: Yoni, Linga, đầu tượng, thân tượng, đế tượng, chân đèn, bệ đá nắm tay tượng thần… có niên đại thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX - X cùng các đền tháp cổ, trung tâm thờ các vị thần Vishnu và Shiva linh thiêng từ thế kỷ thứ I cho đến thế kỷ thứ VI - VII..

Chính vì thế, dọc Vàm Cỏ Đông, núp dưới bóng những tán rừng già nguyên sinh, những rừng gừa cổ thụ là ẩn chứa trong mình từ xa xưa cho đến nay những trầm tích văn hóa nhiều độc đáo và đa sắc màu rất “Tây Ninh”. 

Người dân ở Vàm Cỏ Đông tại huyện Hòa Thành có điệu múa Trống Chhay-dăm, là di sản phi vật thể quốc gia. Sống bên dòng Vàm Cỏ Đông nên Tây Ninh xưa và cho đến tận hôm nay, nghề đóng ghe, thuyền vẫn rất phát triển. Chỉ riêng đoạn sông qua huyện Châu Thành, Bến Cầu rồi dài xuống Hòa Thành, có gần chục trại đóng ghe đến 300 tấn với các lễ ghim lô, lẫy ghe (hạ thủy), khai tâm (dựng cột), khai nhãn (vẽ mắt ghe)… 

Dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, nhiều nghề thủ công ra đời phục vụ cho công cuộc khẩn hoang xưa hay cuộc sống sông nước của người dân như nghề đan đệm bàng rất phổ biến, thợ thủ công đan đệm trải nằm, nóp, bao đựng lúa, võng, túi xách, nón, ví… để xuất khẩu rất được ưa chuộng

Tây Ninh có quá nửa dân số theo Đạo Cao Đài, có một phiên chợ Lá rất độc đáo họp vào trước Rằm Nguyên tiêu. Chợ lấy lá cây làm tiền để mua tất cả các món trong phiên chợ: gói xôi, thẻ đường thốt nốt, ly chè, dĩa gỏi, xấp bánh tráng cuốn… người bán người mua luôn miệng chúc nhau bình an. 

Từ những hạt gạo thấm đẫm phù sa Vàm Cỏ Đông, cư dân vùng này còn có nghề truyền thống làm bánh tráng, định hình cả trăm năm. Ngày 22/2/2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã trao bằng công nhận nghề làm bánh tráng thủ công tại ấp Cây Trắc, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu là nghề truyền thống. 

anh2vamcodong.JPG
Trong rừng gừa cổ thụ. Ảnh: Hoài Hương

Tây Ninh nức tiếng với món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Và Gò Dầu chính là nơi có làng nghề làm bánh tráng thủ công nổi tiếng. Nhưng thiếu rau sông Vàm Cỏ Đông thì xem ra bất thành món “bánh tráng phơi sương Trảng Bàng”. Vàm Cỏ Đông có hàng trăm loài rau sông và hơn chục loại để ăn bánh tráng cuốn thịt heo, tạo nên một phong cách ẩm thực đậm chất văn hóa Vàm Cỏ Đông: bù lời, bía bái, lộc vừng, trâm ổi, bằng lăng, săng máu, cách, cóc dại, đọt chiếc, đọt vừng, lá vị, sang máu, lá mặt trăng…

Xuôi Vàm Cỏ Đông lịch sử hòa tiềm năng du lịch

Tây Ninh là một vùng chiến địa từ thời kháng chiến chống Pháp, và dòng Vàm Cỏ Đông là nơi xảy ra nhiều trận thủy chiến sinh tử. Sông Vàm Cỏ Đông chảy từ phía tây bắc hướng Bến Cầu có cảng Bến Kéo qua Gò Dầu Hạ. Đây là nơi xảy ra nhiều trận đánh ác liệt trong các cuộc chiến tranh. 

Trong cuộc chiến chống Pháp, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy trận đánh đốt tàu Hy Vọng của thực dân Pháp tại vàm Nhựt Tảo. Còn thời kháng chiến chống Mỹ, dọc dòng Vàm Cỏ Đông cùng với căn cứ “Trung ương Cục” ở khu rừng Lò Gò - Xa Mát, đã lập bao chiến tích oanh liệt, bảo vệ các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, đánh bại rất nhiều chiến lược âm mưu làm “trắng” vùng này của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Tới thời chiến tranh biên giới Tây Nam, dòng Vàm Cỏ Đông, nơi biên giới thủy giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia, quân và dân Tây Ninh đã quyết giữ chủ quyền từng mét sông, từng ngọn dừa, từng bụi cỏ…

Tôi đã xuôi từ thượng nguồn Vàm Cỏ Đông, ngang qua khu rừng gừa ngàn tuổi đầy huyền tích, chạm vào Gò Dầu, một địa danh đầy ấn tượng sau khu “Trung ương Cục”. Đến Gò Dầu hôm nay nghe một câu chuyện đầy xúc động về người nữ anh hùng thời chiến tranh của vùng Gò Dầu, chị Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1944 tại xã Thạnh Phước, Gò Dầu, trong một gia đình nông dân nghèo có tới 9 người con. Sớm có tinh thần yêu nước, khi thấy quê nhà bị tàn phá khốc liệt, tháng 2/1961, từ cô thợ may trẻ, chị đã là một “thủ lĩnh” phong trào thanh niên ở xã, đặc biệt trong công tác binh vận. 

Những năm 1968 - 1969, chiến sự rất ác liệt, khu vực Tây Ninh, vì có “Trung ương Cục” nên trở thành tâm điểm càn quét của Mỹ và quân Sài Gòn. Tại Gò Dầu, chị và các đồng đội không chỉ tiêu diệt lính Mỹ mà còn bám lại vùng ven với khẩu hiệu "Quyết tử giữ Gò Dầu", tiếp tục đưa phong trào nổi dậy, buộc quân Mỹ và Sài Gòn phải co cụm trong đồn bót… 

anh3vamcodong.JPG
Đài tưởng niệm Gò Dầu. Ảnh: Hoài Hương

Sau hiệp định Paris năm 1973, giặc lại mở trận càn chiếm đất, đơn vị của chị phối hợp với lực lượng quân chủ lực chống trả quyết liệt để giữ làng. Trong lúc chiến đấu, chị bị trọng thương. Chị hy sinh, khi ấy trong bụng còn có bào thai vừa 4 tháng. Ngày 20/12/1994 chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Ấn tượng với Gò Dầu không chỉ là đoạn sông Vàm Cỏ Đông ngang qua đây rất đẹp, như một dải lụa mềm xanh màu trời ôm hai triền bờ xanh mướt cỏ cây, vào lúc hoàng hôn, cảm giác như hơi nước là đà mặt sông quyện vào sương, nhìn phiêu mị hoang ảo. Còn bao tiềm năng du lịch ẩn chứa giá trị văn hóa lịch sử để khai thác, làm giàu cho vùng đất này nói riêng, Tây Ninh nói chung.

Nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng là Cao Sơn tự, uy nghiêm, được xây dựng từ giữa thế kỉ XIX, theo lối kiến trúc theo hình chữ nhị, mặt tiền hướng ra sông, trên một khu đất cao và rộng như một bán đảo, được bao quanh bởi nhiều cây dầu và cây cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm, chùa thờ cả Thần và Phật theo nguyên tắc “tiền Phật hậu Thần”. 

Chùa Linh Sơn Thanh Lâm tự, được lập từ năm 1865, cách trung tâm huyện Gò Dầu 850m, cách chợ Gò Dầu gần 200m, cùng với chùa Phước An là hai ngôi chùa cổ đầu tiên trên đất làng Thanh Phước. 

Nằm cách trung tâm huyện Gò Dầu 1,5km, đình Thanh Phước là một trong những ngôi đình có diện tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thờ vị thần Đặng Văn Châu - một Lãnh binh triều Nguyễn có công khai phá và lập làng Thanh Phước. Đình Cẩm An cách trung tâm huyện Gò Dầu khoảng 16km, một trong ba ngôi đình ở Tây Ninh có Thành hoàng là Nhân thần - Huỳnh Công Đức, một vị quan triều Nguyễn.

Đặc biệt là một “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử cấp quốc gia- “Căn cứ Lõm vùng ruột Gò Dầu”, đây là khu di tích giáo dục về lịch sử, truyền thống đấu tranh bất khuất, bồi đắp lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc của mỗi người đặc biệt ý nghĩa ở Tây Ninh. 

Ngoài các di tích lịch sử, Gò Dầu còn có nhiều thú vị khác để khám phá, từ vườn trái Gò Chùa với rất nhiều loại trái ngon, đến Chợ Gò Dầu cùng các món ăn đặc trưng như bánh tráng phơi sương, nem bưởi, vịt nấu chao, bò tơ Tây Ninh nướng…

Rời Tây Ninh nghe man mác câu hát “Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…”, biết rồi sẽ quay lại dòng sông này.

Hoài Hương

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Anhcuoibai.jpg