Vân Dung đùa, phải kết thúc chương trình Gặp nhau cuối năm, chị mới biết là mình còn sống.
Táo quân năm nay vẫn còn mông lung lắm
- Trong số các nghệ sĩ tham gia Táo quân, chị có lẽ là người được giao nhiều vai Táo khác nhau nhất. Chị nghĩ sao về điều này?
- Đúng là trong 11 năm tham gia Táo quân, tôi đóng đủ dạng vai, từ Táo Y Tế, Táo Giáo Dục, Táo Báo Chí... Gần như lĩnh vực nào tôi cũng kinh qua.
Tôi cho rằng đó là một may mắn nhưng điều đó không có nghĩa là tôi giỏi hơn các bạn diễn khác. Tôi đố ai vào vai Ngọc Hoàng duyên dáng được như anh Quốc Khánh, mặc dù có khi phần lớn thời gian trên sân khấu anh chỉ gật gù ngồi trên ngai vàng, cũng không có ai thay thể được vai Nam Tào của Xuân Bắc hay Bắc Đẩu của Công Lý. Những vai đó, có giao cho tôi, tôi cũng chịu, không đóng được.
- Táo quân năm nay, Vân Dung sẽ thế nào?
- Ôi giời, đã có gì đâu. Tất cả đang nằm trên giấy, còn mông lung lắm. Chúng tôi đang tập, đang đắp điếm và bổ sung cho nhân vật của mình. Kịch bản cũng thay đổi từng ngày.
Rất may là vì đã gắn bó với Táo quân trong 11 năm nên tôi và các nghệ sĩ khác đã quen với việc thay đổi kịch bản, chứ nếu không dễ "tẩu hỏa nhập ma" lắm.
- Tham gia Táo quân luôn là những gương mặt rất quen thuộc. Chị nghĩ sao trước ý kiến, Táo quân đóng cửa với các gương mặt mới?
- Từ đạo diễn tới các diễn viên, những người trong ê-kíp sản xuất Táo quân, ai cũng mong có gương mặt mới tham gia cho chương trình mới mẻ hơn với công chúng. Táo quân luôn mở cửa cho những gương mặt mới nếu như họ khẳng định được năng lực của mình.
Tuy nhiên, Táo quân không phải là một chương trình hài đơn thuần. Đó là bản tổng kết hài hước nhưng thâm thúy về các vấn đề nóng xảy ra trong một năm qua, chính vì thế nhưng người sản xuất phải cân nhắc mọi yếu tố, đưa một gương mặt mới mà chưa thực sự cứng về nghề, nếu có sai sót gì thì khán giả sẽ nhắc mãi.
Đấy là chưa kể thời gian tập luyện Táo quân lại vào lúc đêm khuya. Có mấy người chồng để vợ đi đêm đi hôm cả tháng, có người vợ nào chấp nhận cảnh chồng chỉ trở về nhà lúc bình minh? Vợ hoặc chồng của chúng tôi – những nghệ sĩ tham gia Táo quân – phải thông cảm và hết lòng hỗ trợ thì chúng tôi mới có thể hoàn thành tốt công việc của mình.
- Trong quá trình tập luyện và ghi hình Táo quân 2014, nghệ sĩ Tự Long đã bị ốm. Có khi nào chị gặp phải trường hợp tương tự?
- Có chứ. Năm nào trước khi ghi hình Táo quân, tôi chẳng gặp phải những sự cố về sức khỏe như ngất xỉu và bị nôn. Trước khi lên sân khấu, tôi thường phải vào nhà vệ sinh để nôn thốc nôn tháo. Mọi người phải bôi dầu gió, cho uống nước gừng tôi mới lấy lại sức.
Việc bị ốm khi tập luyện và ghi hình Táo quân dường như đã trở thành cái lệ đối với tôi. Rất may, mấy ngày trước tôi vừa bị ốm, hy vọng năm nay thoát cảnh mất tích trong nhà vệ sinh trước giờ diễn.
Không chỉ riêng tôi đâu, các nghệ sĩ khác cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Chúng tôi thường trêu nhau, khi nào quay xong Táo quân thì khi ấy mới biết mình còn sống.
- Trong đêm Giao thừa, chị có thói quen xem Táo quân như rất nhiều khán giả khác?
- Sau khi làm cơm cúng Tổ tiên, tôi cùng gia đình cũng quây quần xem Táo quân. Tôi xem để rút kinh nghiệm, xem chỗ nào mình diễn tốt, chỗ nào chưa tốt và thấm thía rằng, để có được chương trình kéo dài chừng 2 tiếng đồng hồ cho khán giả, tôi và các nghệ sĩ khác đã phải lao động cật lực như thế nào.
- Chị nghĩ sao trước nhận xét cho rằng, các lời thoại trong Táo quân đôi khi còn thô và có chút phản cảm?
- Theo tôi, mỗi người có một quan điểm riêng, một cách thưởng thức nghệ thuật riêng nên không thể đem cách nhìn mình ra áp đặt cho tất cả mọi người. Hơn nữa, thanh hay tục cũng còn tùy vào con mắt và tâm thế của người thưởng thức.
"Là nghệ sĩ nhưng tôi không đứng trên giời"
- Cuối năm luôn là khoảng thời gian bận rộn của các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ hài, còn chị thì sao?
- Ôi giời ơi, bận lắm. Tôi rời khỏi nhà lúc 7h để đi quay phim, 17h về ăn cơm, rồi đi diễn, 22h đi tập Táo quân tới 4h hôm sau mới trở về nhà.
Bận thế nhưng tôi lại thấy vui. Khi được đi diễn, được đứng trên sân khấu tôi thoải mái, tự do và tràn đầy năng lượng. Ở nhà, dù chỉ một hai ngày thôi cũng khiến tôi cảm thấy bị cô lập, bị gạt ra ngoài xã hội. Không có những cuộc điện thoại trao đổi công việc, những lời mời đi diễn là tôi thấy trống vắng lắm.
- Say nghề như thế, chị nghĩ mình sẽ đối diện như thế nào khi về già và phải giã từ sân khấu?
- Là nghệ sĩ đấy nhưng tôi không đứng ở trên giời đâu. Tôi đã chuẩn bị tâm lý đến ngày đó rồi. Ai rồi cũng phải già đi. Khi trẻ có niềm vui của tuổi trẻ, khi già có những thú vui tuổi già, chẳng hạn như đi sinh hoạt câu lạc bộ, đi biểu diễn cho các hội phụ lão, hội cựu chiến binh, cho các cô, các chú, các bác có tuổi.
Đừng ai tưởng tượng hão huyền quá. Nghệ sĩ cũng là người bình thường thôi, sẽ có lúc bị lãng quên, nhưng còn có thể đứng trên sân khấu được ngày nào thì phải cháy hết mình ngày ấy. Với tôi bất kể ở Nhà hát Lớn, Trung tâm Hội nghị Quốc gia hay một khoảng trống rộng chừng 1m2, không ánh đèn thì vẫn là sân khấu. Tôi nghĩ, những nghệ sĩ đích thực chỉ cần đứng trên một cái phản, họ cũng vẫn có thể thăng hoa trong nghệ thuật cho dù phía dưới là hàng nghìn khán giả hay chỉ một vài người.
- Có nhận xét cho rằng, mỗi lần Vân Dung bước ra sân khấu là không khí trở nên rộn rã hơn. Chị nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi quan niệm, đã bước chân ra sân khấu là phải thu hút tất cả sự chú ý của khán giả vào mình. Nếu họ vẫn còn nói chuyện riêng hay nghe điện thoại thì đồng nghĩa với việc mình đã không thành công.
Tôi không quan trọng vai diễn của mình dài hay ngắn, 5 hay 10 phút, chỉ cần khán giả nghe như nuốt từng lời tôi nói, mắt nhìn tôi không rời, thế là tôi hài lòng rồi.
Có nhiều bạn diễn hỏi tôi, tại sao mỗi lần bước ra sân khấu, tôi đều thu hút được sự chú ý của khán giả, tôi trả lời đơn giản rằng, bạn phải diễn thật. Bạn khóc, bạn cười, bạn đau khổ hay sung sướng cũng phải thật. Nếu bạn diễn một cách giả vờ, khán giả có thể vẫn ngồi xem đấy, nhưng xem xong, họ chỉ cười.
- Luôn đảm nhận những vai chua ngoa, đanh đá nhưng lý do gì khán giả vẫn yêu quý chị?
- Ngày mới vào nghề, tôi tâm niệm mình nhận vai nào thì phải diễn ra hết chất của dạng vai đó. Nếu nhân vật là một cô đanh đá, chua ngoa thì phải diễn làm sao để khán giả nhìn thấy mặt, nghe thấy giọng là đã ghét rồi, ghét cay ghét đắng, ghét tới mức "xúc đất đổ đi".
Sau này tôi nhận ra là khán giả dễ đánh đồng vai diễn trong phim với người diễn viên. Họ không chỉ ghét các vai diễn của tôi mà còn ghét luôn cả tôi ở ngoài đời. Tôi thấy đó là một thiệt thòi nên điều chỉnh cảnh diễn của mình. Vẫn giữ cái sự đanh đá, chua ngoa đấy nhưng tôi đưa vào vai diễn một chút láu lỉnh, một chút ngô ngố, một chút ngờ nghệch để khán giả ghét đấy nhưng vẫn phải yêu mình.