- Ở Nhật, khi ra đường nếu không may dẫm vào chân nhau thì người bị dẫm sẽ xin lỗi trước, ở VN thì ngược lại.

Chuyện ứng xử giao thông được mổ xẻ tại hội thảo “Văn hóa giao thông - Trách nhiệm thuộc về ai?” sáng 28/12 tại Hà Nội.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội, văn hóa giao thông ở VN là trách nhiệm của cả hệ thống, trước hết là ở người quản lý, sau đó đến người dân.

Ông đưa ra yếu tố dẫn đến thực trạng tham gia giao thông “chưa văn hóa” ở VN, đó là cơ chế chính sách chất lượng chưa cao, từ nội dung xây dựng, định hướng chưa bám sát thực tiễn...

Cụ thể, VN đang thiếu cơ sở hạ tầng. Đất dành cho giao thông ở đô thị phải là 20% và bãi trông đỗ xe là 3%, nhưng thực tế ở Hà Nội đất dành cho giao thông mới chỉ có 9% và 0,28% đất cho bãi đỗ xe. 

"Do đó, giao thông khó khăn là tất nhiên", ông Nghiêm nêu quan điểm.

Cơ sở hạ tầng thiếu dẫn đến tranh giành, gây ùn tắc và lộn xộn, thiếu văn hóa giao thông là điều khó tránh khỏi.

Ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐ thành viên công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội cho rằng, văn hóa giao thông ở Việt Nam đang ở "độ tuổi vị thành niên" và phải thêm 5-10 năm nữa mới có thể trưởng thành được.

Ông Trường đưa so sánh về sự khác biệt trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông ở VN và Nhật Bản: “Ở Nhật, khi ra đường nếu không may dẫm vào chân nhau thì người bị dẫm sẽ xin lỗi trước, lý do là vì mình lớ ngớ cản bước của người khác nên xảy ra chuyện. Ở VN thì người dẫm phải xin lỗi và dễ nhận được câu chửi 'đi đứng kiểu gì…'”.

Đừng đổ lỗi hết cho người dân

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB GTVT, nếu hạ tầng giao thông tốt, đường rộng thì văn hóa của người tham gia giao thông cũng tốt lên.

Ông nói rõ, nếu luật pháp chặt chẽ thì văn hóa của người dân cũng tốt lên. Do vậy, văn hóa giao thông trước hết thuộc về nhà nước, sau đó mới đến người dân.

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, để người tham gia giao thông chấp hành nghiêm thì lực lượng chức năng làm nhiệm vụ còn nhiều vấn đề phải thực hiện.

"Một bộ phận CSGT chưa nhận biết hết nhiệm vụ của mình là phải điều tiết, hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn, đúng luật, trái lại chỉ thấy vi phạm là phạt. Thậm chí khi vi phạm rồi lại đưa ra phương án '50-50' gây bức xúc và nhờn luật", ông Sơn nói.

Ông Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn tiếp lời, năng lực xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa nghiêm. Kiểu anh hùng “núp” xử lý vi phạm gây bức xúc dư luận thì không thể nâng cao được văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Vẫn có những "hạt sạn"

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận, đúng là còn những "hạt sạn" trong lực lượng thực thi công vụ nhưng cũng có những hành động rất đẹp như CSGT đưa người già qua đường…

{keywords}

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Văn hóa giao thông phụ thuộc vào trách nhiệm và ý thức của mỗi người trên cơ sở nhận biết pháp luật.

Ghi nhận những đề xuất, ông Thọ cho biết: Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm cập nhật, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với sự phát triển của xã hội.

"Trong chiến lược quy hoạch của ngành GTVT cũng phải tính toán và cập nhật lại cho phù hợp" - Thứ trưởng nói.

Thủ tướng 'bắt bệnh' Hà Nội ùn tắc

Thủ tướng 'bắt bệnh' Hà Nội ùn tắc

Thủ tướng lưu ý Hà Nội nổi lên việc ùn tắc giao thông hiện nay có nguyên nhân quan trọng là việc cho xây quá dày đặc các chung cư cao tầng trong các quận nội đô.

Ám ảnh khôn nguôi về tai nạn giao thông 2016

Ám ảnh khôn nguôi về tai nạn giao thông 2016

Năm 2016, cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và trở thành nỗi ám ảnh của mọi người.

Gia Văn