Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 1.500 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; 755 di sản văn hoá phi vật thể với gần 300 lễ hội, lễ tục, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn dân gian… Do vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; góp phần hoàn thành Tiêu chí số 6 và Tiêu chí số 16 về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. 

Trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị theo quy định pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức các loại hình văn hóa truyền thống như lễ hội, trò chơi, trò diễn; duy trì, phát triển, nhân rộng các loại hình văn hóa dân gian trong sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn, bản... Thông qua việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân, tạo dựng nên những miền quê nông thôn đáng sống.

Điển hình như huyện Như Xuân, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới được người dân ưu tiên thực hiện. 

Ảnh chụp Màn hình 2024 07 10 lúc 14.21.38.png
Đồng bào Thổ ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa tham gia trò chơi trong lễ hội xuân.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho hay, xác định xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Trong đó, các làng, thôn, khu dân cư đã lưu giữ các nét văn hóa, phong tục đặc sắc ở địa phương; bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan; xây dựng quy ước, hương ước quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, khu dân cư văn hóa; vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức và hiến đất để xây dựng các công trình giao thông liên thôn, tường rào hoa, nhà văn hóa, khu thể thao, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp....

Tại huyện Thọ Xuân, xác định “Văn hóa vừa là nền tảng, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng các tiêu chí về văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. 

Huyện Thọ Xuân lấy phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới làm nội dung trọng tâm. Từ đó, chỉ đạo các địa phương bám sát nội dung chương trình, các hướng dẫn của cấp trên để triển khai phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. 

Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí và phong trào. Khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp. 

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 100% xã và thôn đạt chuẩn văn hóa, 90% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên, sôi nổi... Hầu hết các thiết chế văn hóa - thể thao đều đảm bảo tiêu chuẩn và quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, phát huy được công năng là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân.

Theo ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá, việc thực hiện tiêu chí văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở hoàn thiện đồng bộ hạ tầng văn hóa, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ đổi thay bộ mặt nông thôn ở Thanh Hoá mà còn nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để nhân lên các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, duy trì tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí để quy hoạch quỹ đất, đầu tư hoàn thiện các thiết chế trung tâm văn hóa , thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn, đầu tư mua sắm các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, từng bước hoàn thiện, đồng bộ cơ sở vật chất văn hóa đặc biệt cơ sở vật chất văn hóa cấp thôn, bản… Đây được xem là giải pháp hiệu quả, tạo tiền đề để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.