Văn hoá trong quá trình phát triển của đất nước được bàn luận trong nhiều năm qua, từ đề cương văn hoá năm 1943 đến bước chuyển quan trọng là Nghị quyết Trung ương V khoá 8, sau đó là nghị quyết 33 của Bộ chính trị và được khẳng định bởi Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XIII.

Mới đây nhất, ngày 17/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", trong đó nhấn mạnh việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Do vậy, cần nhận thức rõ sự hiện diện của văn hoá trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bởi văn hoá chính là con người. Văn hoá chính là con người, gắn chặt với con người từ lúc họ sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay và chi phối họ trong tất cả mọi hành vi, thái độ, ứng xử ở mọi nơi mọi lúc… Hiểu như vậy mới thấy rõ văn hoá là động lực, là sức mạnh nội sinh.

{keywords}
Đảo Ký Ức Hội An

Trong thực tế, đôi khi vì những lý do này hay lý do khác chúng ta lại quên đi sự nhìn nhận rộng về văn hoá và sự có mặt của nó trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Có những giai đoạn, do ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần có lúc quá mức, nên trong các hoạt động chống mê tín dị đoan đã phá đi nhiều thiết chế văn hoá (đình, đền, chùa…), phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh, giá trị lễ nghĩa, trên dưới trong xã hội. Ở phương diện đào tạo văn hoá, chúng ta thấy Đại học văn hoá trước đây chỉ tập trung vào 4 mảng theo chức năng quản lý của bộ văn hoá đó là: Bảo tàng, Thư viện, Văn hoá nghệ thuật và Văn hoá quần chúng…Gần như toàn bộ phần văn hoá tín ngưỡng như tên gọi phổ biến hiện nay không được nhắc đến hay nhắc đến với tâm lý kỳ thị. Nhiều loại hình văn hoá tín ngưỡng một thời bị cấm đoán, xoá bỏ  đó ngày nay đã trở thành di sản văn hoá đại diện cho nhân loại như ta đã thấy, là minh chứng cho điều đó.

Chúng ta rất đúng đắn coi văn hoá là một mặt trận trong chiến đấu và xây dựng. Trong thời gian chiến tranh tất cả mọi nguồn lực vật chất và tinh thần của con người được tận dụng để hướng tới mặt trận, vì chiến thắng cuối cùng. Điều này được thể hiện rất rõ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tuy nhiên trong xây dựng, nhất là đời sống cho toàn xã hội thì không phải lúc nào cũng nhìn được thật rõ động lực ấy của văn hoá. Trong khi đất nước còn nghèo, thì kinh tế được ưu tiên phát triển là điều đương nhiên, song do không có sự nhìn nhận về vai trò của văn hoá nên vì tăng trưởng kinh tế mà nhiều giá trị văn hoá bị mất mát. Chẳng hạn như các dự án kinh tế làm nhiều di sản văn hoá bị phá huỷ, đến khi kinh tế ổn định, có của ăn của để quay lại thì văn hoá đã mất (cả di sản vật thể lẫn phi vật thể), có nhiều cái không thể nào khôi phục được.

Đối với xã hội, sự buông lỏng của văn hoá gia đình xuất phát từ sự phó mặc việc nuôi dạy con cái cho nhà trường, đoàn thể nên nhiều gia đình không quan tâm đến việc giáo dục con cái một cách sát sao. Nhiều khi, vì công việc mưu sinh nên cha mẹ không có điều kiện chăm sóc con cái hoặc ỷ vào tâm lý “trăng đến rằm, trăng tròn” nên khi biết được con cái hư hỏng thì đã muộn. Nói như các cụ ta xưa “dạy con từ thuở còn thơ”, đây lại chủ quan, phó mặc tất cả cho nhà trường, xã hội nên hậu quả là không thể lường hết được. Nhất là, bối cảnh xã hội hiện đại, bình đẳng giới và tác động của lối sống ích kỉ cá nhân nên nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn, ly dị, vợ chồng không thống nhất trong việc nuôi dạy con cái. Đứa trẻ mất đi tình cảm gia đình, mất đi lòng yêu thương của bố, mẹ, không khí đầm ấm của gia đình với những sinh hoạt bên mâm cơm, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của con cái với bố mẹ nên đứa trẻ bị cô đơn, trầm cảm dẫn đến tự kỉ, phá phách. Khi đó những thế lực thù địch muốn lợi dụng họ sẽ dễ dàng nhuộm đen họ một cách đơn giản.

Ra ngoài xã hội lại gặp những tiêu cực khác trong lối sống, cách ứng xử, mất kỉ cương xã hội, gặp những bất công trong thực tế…., tạo nên những suy nghĩ rồi dẫn đến hành động tiêu cực. Đó chính là những động lực văn hoá trong mỗi con người tạo nên những tiêu cực cho xã hội.

Bên cạnh đó, những giá trị gia đình, cộng đồng, dòng họ… không còn được như xưa nên sự thái quá của những hành động tiêu cực nhiều khi tăng lên do bị làm ngơ, vô cảm của xã hội.

Vì vậy, động lực văn hoá ở mọi khía cạnh đó của cuộc sống nếu biết khơi dậy đúng hướng tính nhân bản, tính tích cực, hướng thiện sẽ là cái làm cho con người có một sức mạnh ghê gớm để vươn lên, vượt qua mọi thử thách, cam go, tạo ra sự sáng tạo vượt trội. Ngược lại nếu bị chệch hướng sang tiêu cực thì cũng dễ dàng dẫn con người ta đến những kết cục đau đớn, vùi dập cuộc đời họ xuống bùn đen, đẩy họ sa ngã, dẫn đến đầu hàng, phản bội lại tổ quốc, dân tộc, khi đó sẽ  gây ra tác hại không hề nhỏ cho toàn xã hội, cho đất nước.

Tuấn Kiệt (lược ghi)