Nhiều giải pháp đưa Huế thành điểm du lịch văn hóa lớn nhất Việt Nam
Huế - vùng đất Cố đô hội tụ nhiều di sản quý báu của cha ông để lại, trong đó có những di sản được vinh danh ở tầm quốc tế, là di sản thế giới. Tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch di sản tạo thành thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát huy mọi lợi thế, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho hội nhập và phát triển bền vững.
Du lịch là một trong những ngành có tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế tỉnh cao nhất và du lịch tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt để phát triển, du lịch Huế vẫn tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch để chinh phục những cột mốc phát triển mới. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế ước đạt gần 3,3 triệu lượt.
Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch đã được đầu tư mạnh mẽ, việc khôi phục, trùng tu và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế đã đưa Huế thành điểm du lịch văn hóa lớn nhất Việt Nam.
Du lịch làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh đã trở thành xu hướng phát triển chính. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của tỉnh ngày càng đa dạng. Điều đó đã giúp phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút nhiều dự án đầu tư về dịch vụ, du lịch và các lĩnh vực khác. Việc mở rộng quan hệ với các tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực di sản luôn được chú trọng.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, Huế tập trung đẩy mạnh công tác tu bổ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan môi trường, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học nhằm phát huy tốt các giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân và thu hút khách đến tham quan du lịch.
Gắn việc bảo tồn phát huy giá trị di tích với hình thành các công trình, thiết chế văn hóa, cơ sở dịch vụ lớn trên địa bàn TP. Huế và các khu vực lân cận phù hợp các quy hoạch trên địa bàn. Tiến hành điều chỉnh, quy hoạch hệ thống di tích, các cơ sở hạ tầng, chú trọng nâng cao chất lượng các phương tiện vận chuyển phù hợp với điều kiện giao thông đi lại, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái, không gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải.
Xây dựng cơ chế nhằm điều tiết, hạn chế số dân trong các khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I, II của di tích, đồng thời tuyên truyền làm cho người dân ý thức tham gia vào công tác bảo vệ di sản, các loại hình hoạt động nhằm phát triển du lịch, dịch vụ. Tăng cường quản lý chặt chẽ về cảnh quan, môi trường, hạn chế các công trình xây dựng tạo sự đối nghịch, làm phá vỡ cảnh quan của thành phố lịch sử.
Quy hoạch các loại hình dịch vụ đảm bảo trật tự mỹ quan, tăng các loại hình dịch vụ cung cấp các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, cao cấp, mang đặc trưng của vùng đất Thừa Thiên Huế.
Mở rộng phạm vi tham quan nhằm đưa khách đến với các hoạt động văn hóa, lễ hội, di chỉ khảo cổ, làng nghề truyền thống; tham quan hệ sinh thái biển, đầm phá; du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên biển, thể thao dưới nước, du lịch mạo hiểm... Từng bước xây dựng các điểm du lịch gắn với giá trị cảnh quan độc đáo, phát huy có hiệu quả loại hình du lịch tâm linh; hình thành mới các loại hình dịch vụ, hình thành các điểm vui chơi giải trí; các điểm du lịch sinh thái.
Tiếp tục khẳng định lối đi riêng
Theo đánh giá của UNESCO, việc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh rất quan tâm, chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ không gian của di sản với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả.
Tỉnh đã phát động nhiều phong trào để nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn nét đẹp của không gian văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và vẻ đẹp của con người xứ Huế, thực hiện Huế ngày càng Xanh - Sạch - Sáng. Qua đó, nhận thức của cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa ngày càng cao. Hệ sinh thái cảnh quan đã được nhận diện và trân trọng.
Quá trình nỗ lực giữ gìn, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế đã được ghi nhận và đánh giá cao. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 38/2021/QH15 về các cơ chế, chính sách áp dụng đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản.
Với những kết quả to lớn đã đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa, Thừa Thiên Huế đang khẳng định lối đi riêng rất thành công để trở thành đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”, đồng thời tạo “bệ đỡ” cho du lịch phát triển bền vững từ nền tảng văn hóa, di sản.
Diệu Bình