Sáng nay (24/11), tại Hà Nội, diễn ra hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và sẽ có bài phát biểu chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng.
Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân về cơ bản được phát huy. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh.
Dân chủ xã hội từng bước được mở rộng và phát huy cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu đã làm cho con người Việt Nam đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.
Các lễ hội mang màu sắc hình thức, mê tín có chiều hướng giảm dần; môi trường văn hóa ở phần đông các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nền nếp, lành mạnh hơn.
Nền văn học, nghệ thuật của nước nhà khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn, phản ánh chân thật đời sống của nhân dân; đấu tranh lên án, đẩy lùi cái xấu, cái ác, những lai căng, lạc lõng; ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, thành tựu công cuộc đổi mới…
Báo chí, truyền thông, xuất bản là vũ khí tư tưởng, văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Minh Đạt |
Việc quản lý các loại hình thông tin trên Internet, mạng xã hội, truyền thông số có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trước yêu cầu mới.
Tiếp tục xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với quan điểm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động. Một số ngành công nghiệp văn hóa có bước phát triển như điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm…
Không chỉ vậy, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Đã có hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp để hỗ trợ các địa phương và người dân gặp khó khăn từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các doanh nhân và nhà hảo tâm.
Những hạn chế
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết, mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi một cách đáng kể.
Không ít cán bộ, đảng viên chưa tự giác, chưa thường xuyên thực hiện việc nêu gương trước quần chúng, kể cả cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách con người.
Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở còn yếu và thiếu, dẫn đến những hạn chế, lúng túng, bị động trong tham mưu, xử lý những vấn đề nảy sinh.
Nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển bền vững đất nước có lúc, có nơi còn chưa sâu, văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…
Thị trường văn hóa bước đầu được hình thành, nhưng phát triển còn manh mún, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp. “Nhập siêu văn hóa” kéo dài. Mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp.
Sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin giả, sai sự thật gây nghi ngờ nội bộ, kích động thù hận, bạo lực trên Internet, mạng xã hội chưa được xử lý nghiêm, ngăn chặn chưa hiệu quả.
Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm... còn xảy ra ở khá nhiều nơi.
Coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu 6 bài học. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực sự trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt, thực sự là tấm gương, là động lực, niềm tin để nhân dân học tập, noi theo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Minh Đạt |
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu những giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới.
Cụ thể, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững đất nước, xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Từng bước khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, tâm hồn
Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng.
Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa, văn nghệ, khoa học, phù hợp, có trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất ở tất cả các cấp quản lý.
Coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người…
Hương Quỳnh
Ông Phạm Quang Nghị: Văn hóa được coi trọng hơn, yếu kém sẽ ít đi
Bày tỏ sự trăn trở vì sao đạo đức xã hội sa sút, tội phạm xã hội nhiều, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, nếu lĩnh vực văn hóa được chú ý, coi trọng hơn thì những yếu kém sẽ ít đi.