Cách đây chưa lâu, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) Nông Quốc Chinh xin lỗi sinh viên khi để 700 bản sao bằng tốt nghiệp sai lỗi chính tả và 400 bằng tốt nghiệp bản chính của sinh viên thiếu tem chống hàng giả của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, trong đợt 1, Trường ĐH Khoa học làm lễ và trao bằng tốt nghiệp cho hơn 700 sinh viên khóa 7. Tuy nhiên, bản chính bằng tốt nghiệp lại không có tem chống hàng giả của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, bản sao lại mắc lỗi chính tả ở phần chức danh: "KT Hiệu trưởng...". Những lỗi này khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn khi xin việc do lo ngại ứng viên dùng bằng giả.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Nông Quốc Chinh thừa nhận có những sai sót trên. “Việc bản sao tốt nghiệp cấp cho sinh viên do Phòng Công tác Học sinh – sinh viên tự làm. Do nhiều sinh viên có yêu cầu nên họ làm. Bản in lại nhờ bên ngoài làm nhưng để sai sót có lỗi rất quan trọng của bộ phận kiểm tra, phát bằng cho các em” – ông Chinh cho hay.
Nhận thông tin phản ánh của sinh viên, đích thân ông Chinh đã chỉ đạo họp kiểm điểm, quy trách nhiệm những người có liên quan khi để xảy ra sai sót này.
Ông Chinh cho biết: “Trường đã chỉ đạo thu hồi và cấp bản sao lại miễn phí cho tất cả sinh viên. Năm sau chúng tôi sẽ không giao Phòng Công tác học sinh - sinh viên in bản sao bằng tốt nghiệp nữa, mà sẽ giao bộ phận khác”. Năm tới, việc in bản sao bằng theo Hiệu trưởng Chinh cũng sẽ không thực hiện nữa. “Nếu sinh viên cần sẽ lấy bản chính photocopy ra và đóng dấu vào là được”.
Còn bằng tốt nghiệp chưa dán tem chống giả của bộ là do "phát bằng xong sinh viên về hết nên chưa dán kịp". Hơn 300 trong hơn 700 bằng tốt nghiệp chính thức cấp cho sinh viên, theo ông Chinh đã được dán tem khi cấp.
Ông Chinh lí giải: “ĐH Thái Nguyên là đại học vùng nên được phép in phôi bằng và tổ chức cấp, phát cho sinh viên. Từ năm 2012 về trước mẫu bằng không có tem. Mẫu mới của Bộ GD-ĐT được thực hiện từ tháng 1/2013 trở đi. Lứa sinh viên tốt nghiệp vừa rồi cũng là lần đầu tiên thực hiện việc dán tem lên bằng”.
“Hồi tháng 3, lô phôi bằng trường nhận từ ĐH Thái Nguyên không có tem và lô phôi bằng lấy tháng 6 mới có tem. Trước sự việc trên trường có thắc mắc lên ĐH Thái Nguyên để lấy tem bổ sung. Để xảy ra lỗi một phần vì tem bổ sung về muộn, phần có trách nhiệm của nhà trường khi chưa sâu sát chỉ đạo làm nghiêm túc việc dán tem” – lời ông Chinh.
GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng đã xin lỗi sinh viên vì đã thay điểm địa điểm học tập, khiến sinh viên phải đi xa hơn 20km.
GS.TS Nguyễn Minh Hà cho hay, vừa qua, nhà trường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm học tập cho sinh viên. Ông gửi lời xin lỗi đến sinh viên, giảng viên, phụ huynh chịu ảnh hưởng trong lần thay đổi này.
GS.TS Hà cho biết, nhà trường đã gấp rút khẩn trương triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên và giảng viên nhanh chóng ổn định để yên tâm học tập tại cơ sở mới.
Lời xin lỗi của GS.TS Nguyễn Minh Hà bắt nguồn từ sự việc đầu năm nay Trường ĐH Mở TP.HCM đổi cơ sở học tập ở Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp sang cơ sở tại huyện Nhà Bè. Cơ sở ở huyện Nhà Bè nằm ở ngoại thành và cách cơ sở cũ khoảng 20km.
Điều này khiến khoảng 4.000 sinh viên phải thay đổi địa điểm học tập, cũng như xáo trộn việc đi lại, ăn, ở.
Cách đây vài năm, Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM xin lỗi vì sự việc giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online đã gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và sinh viên. Nhà trường tiếp tục ghi nhận kịp thời những ý kiến phản hồi của sinh viên nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Đồng thời sẽ tổ chức xem xét mức độ và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật. Nhà trường cũng xin lỗi vì sự việc đáng tiếc xảy ra gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, sinh viên.
Từ một video lan truyền trên mạng, khi giảng viên đặt câu hỏi cho cả lớp thì có sinh viên trình bày vì trời mưa to nên không nghe rõ, nhờ thầy giảng lại. Thầy không đồng ý và yêu cầu sinh viên đeo tai nghe (headphone) để nghe, sinh viên trả lời đeo tai nghe cũng không rõ. Thầy mời sinh viên ra khỏi phòng học trực tuyến vì cho rằng sinh viên này không chuẩn bị chu đáo cho việc nghe giảng.
Ở phút 2:21 của video này, thầy yêu cầu cả lớp mở webcam lên để thầy nhìn rõ mặt yêu cầu sinh viên mở mic nói: “Tôi tên...., có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường” khi gọi tên từng sinh viên. Giảng viên này sau đó đã đuổi sinh viên ra khỏi lớp. Về phía giảng viên này giải trình rằng việc đuổi sinh viên ra khỏi lớp là vì theo ý kiến chủ quan của giảng viên này, sinh viên không tập trung nghe giảng và chưa thực hiện đúng các thống nhất ban đầu của lớp học.
Việc làm này chỉ để gây sự chú ý và để định hướng các sinh viên tập trung vào bài học, sau đó giảng viên đã để sinh viên quay lại lớp học để không mất bài. Ông cũng nhận lỗi vì đã nóng tính và thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ cũng như xử lý tình huống sư phạm. Ông xin lỗi về các câu hỏi kích thích người học của mình đã vô tình gây xúc phạm đến sinh viên và người xem đồng thời cam kết sẽ khắc phục.
Cách đây chưa lâu, một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng nói đã hiểu được cái sai của mình và lên lớp xin lỗi sinh viên vì mắng sinh viên là "óc trâu". Việc xuất phát từ 1 clip lan truyền trên mạng xã hội, nam giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nói sinh viên: "Như là cái óc trâu, nói hoài rồi cũng không làm...”.
Tiếp đó giảng viên quát sinh viên: “Tại sao không làm, Tại sao? Tại sao không làm? Trong clip có tiếng sinh viên lí nhí đáp: "Dạ, để em chỉnh lại", nam giảng viên tiếp tục hét lên: "Tại sao không làm?".
Sau sự việc này Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng đã có thư ngỏ gửi các giảng viên trong đó mong các giảng viên kiềm chế các mỗi bực dọc tâm lý, giữ các ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quá nặng nề.
Bức thư có đoạn, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm với các sự cố này, vì các lý do như nêu trên. Tuy nhiên, xin các thầy, cô quan tâm kìm hãm các mỗi bực dọc tâm lý, giữ các ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quả nặng nề.
Việc giảng dạy online, dẫu sao còn quá mới với tất cả chúng ta, mà bầu không khí trong lớp online lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo niềm hứng khởi học tập của sinh viên, nên một lần nữa rất mong quý thầy cô hết sức quan tâm đến vấn đề này.